Hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai

Bài cuối: Số hóa hoạt động để thống nhất trong thực hiện

- Thứ Bảy, 11/11/2023, 07:09 - Chia sẻ

Nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp xúc, hiệu quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn cụ thể hơn về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động TXCT của HĐND các cấp theo hướng có chương trình phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin chung cho cả nước để thống nhất trong thực hiện, tổng hợp số liệu báo cáo.

Dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến, kiến nghị

Về những nội dung cơ bản cần quy định tại Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết liên tịch về hoạt động TXCT của đại biểu HĐND phải tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Thường trực HĐND, đại biểu HĐND các cấp thực hiện. Do đó, Nghị quyết cần quy định rõ, tại buổi tiếp xúc, các đại biểu trình bày tóm tắt, ngắn gọn các nội dung báo cáo để dành nhiều thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri. Bên cạnh đó, xác định trách nhiệm của các bên trong phối hợp là phải đặt sự thuận lợi của cử tri lên trên thuận lợi của đại biểu nhằm thu hút được nhiều nhất cử tri đến tham dự tiếp xúc.

Quy định hiện nay, Ủy ban UBMTTQ Việt Nam và Thường trực HĐND cùng tổng hợp, báo cáo tại kỳ họp kết quả, tình hình phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; bên cạnh đó cũng quy định báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Thường trực HĐND trước khi trình ra kỳ họp phải có sự thống nhất với UBMTTQ, theo Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, quy định như vậy là trùng lặp. Thực tế để chủ động, Thường trực HĐND các cấp đều tập hợp, tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến UBND cùng cấp để kịp trả lời, thông tin đến đại biểu và phục vụ TXCT. Vì vậy, Nghị quyết liên tịch nếu quy định Thường trực HĐND có trách nhiệm báo cáo kết quả, tình hình phản ánh, kiến nghị của cử tri thì Ủy ban MTTQ Việt Nam chỉ thực hiện việc giám sát đại biểu TXCT, tránh tình trạng cùng một công việc nhưng hai chủ thể thực hiện. Hoặc ngược lại, nếu Ủy ban MTTQ Việt Nam báo cáo tại kỳ họp để khách quan thì Thường trực HĐND các cấp chỉ tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển UBND cùng cấp để đề nghị trả lời.

Chỉ đạo xây dựng phần mềm theo dõi việc giải quyết

Theo Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, cần thiết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động TXCT, theo dõi việc giải quyết kiến nghị cử tri trong bối cảnh hiện nay. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có chỉ đạo các địa phương xây dựng phần mềm theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri. Đa dạng hóa hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị cử tri, nghiên cứu xây dựng ứng dụng tiếp nhận kiến nghị cử tri trên nền tảng số và các hình thức khác để có thể tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động TXCT. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần hướng dẫn cụ thể hơn về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động TXCT của HĐND các cấp theo hướng có chương trình phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin chung cho cả nước để thống nhất trong thực hiện, tổng hợp số liệu báo cáo.

Từ thực tế khi TXCT, đại biểu ghi nhận cả ý kiến phản ánh và kiến nghị (qua theo dõi, có khoảng 50% là ý kiến và 50% là các kiến nghị), có những ý kiến của cử tri hướng đến những vấn đề vì lợi ích chung của xã hội. Tuy nhiên, Luật Hoạt động giám sát hiện nay chỉ quy định việc giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị, không đề cập đến việc giám sát việc giải quyết những ý kiến phản ánh của cử tri. Do đó, đề nghị quy định giám sát cả ý kiến cử tri để không hạn chế quyền của cử tri.

Quy định công tác phối hợp trên môi trường điện tử

Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, với vai trò tổ chức và điều hành Hội nghị TXCT, MTTQVN các cấp có quy định đổi mới nội dung, chương trình TXCT theo hướng yêu cầu đại biểu giảm bớt thời gian đọc báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; các nội dung chuẩn bị để báo cáo trước cử tri cần ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm; dành thời gian để cử tri trao đổi, phản ánh, đề xuất, kiến nghị, tạo được không khí dân chủ, tin tưởng của cử tri; hướng dẫn cử tri truy cập, nghiên cứu những nội dung kỳ họp HĐND các cấp sẽ xem xét, thảo luận để cử tri cùng thảo luận, đóng góp.

Bên cạnh đó, để MTTQ Việt Nam thực hiện được vai trò trong trách nhiệm giám sát hoạt động của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, rất cần cụ thể hóa Điều 27 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành sửa đổi năm 2015 về trách nhiệm giám sát hoạt động dân cử và đại biểu dân cử để MTTQ Việt Nam các cấp có thể thực hiện được đầy đủ vai trò, trách nhiệm giám sát hoạt động của đại biểu dân cử. Và để phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, cũng cần có quy định về công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên môi trường điện tử.

TRÂM NGUYỄN
#