Hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai

Bài 3: Phân công các Ban, Tổ đại biểu giám sát toàn bộ nội dung trả lời

- Thứ Sáu, 10/11/2023, 06:40 - Chia sẻ

Trên cơ sở báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri theo từng nội dung, địa bàn, lĩnh vực phụ trách, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai phân công trách nhiệm cụ thể cho các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh phối hợp Thường trực HĐND cấp huyện thẩm tra kết quả trả lời kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả giám sát về Thường trực HĐND tỉnh. Thường trực HĐND cấp huyện cũng phân công các Ban, Tổ đại biểu giám sát toàn bộ nội dung trả lời cử tri; đối với cấp xã do Thường trực HĐND tiến hành.

Một kết quả giải quyết được xem xét, đánh giá dưới nhiều góc độ

Trên cơ sở báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri theo từng nội dung, địa bàn, lĩnh vực phụ trách, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai phân công trách nhiệm cụ thể cho các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh phối hợp Thường trực HĐND cấp huyện thẩm tra kết quả trả lời kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả giám sát về Thường trực HĐND tỉnh. Báo cáo của các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh thể hiện sự thống nhất hoặc chưa thống nhất với nội dung trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri, nêu rõ lý do đối với những nội dung chưa thống nhất, nội dung trả lời chưa thỏa đáng.

Qua đó, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND tỉnh. Trường hợp việc trả lời chưa thỏa đáng, chưa rõ ràng, Thường trực HĐND tổ chức giám sát, tiếp tục đề nghị cơ quan có trách nhiệm trả lời cử tri, hoặc đề nghị đưa ra chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, hoặc báo cáo tại phiên giải trình giữa hai kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh. Trường hợp ý kiến có nhiều bức xúc, Thường trực HĐND trực tiếp hoặc phân công cho các Ban của HĐND tổ chức Đoàn giám sát, khảo sát để trả lời với cử tri và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền.

Luật quy định báo cáo của UBND về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri phải được Ban của HĐND thẩm tra theo sự phân công của Thường trực HĐND. Như vậy, một kết quả giải quyết sẽ được xem xét, đánh giá dưới nhiều góc độ: của đại biểu là người nắm sát địa bàn và nội dung kiến nghị; của Ban có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực phản ánh; của Thường trực với tầm nhìn bao quát và của Văn phòng với cách nhìn của người tham mưu, như vậy giúp cho việc nâng cao chất lượng trả lời cử tri.

Về trách nhiệm của Thường trực HĐND cũng được nâng cao bởi Thường trực phải xây dựng báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Để xây dựng báo cáo, Thường trực HĐND phải xem xét báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo trình tự quy định. Với việc thực hiện trách nhiệm và quy trình giám sát như trên cũng đã tác động hiệu quả đến cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, góp phần vào việc mang lại sự hài lòng của cử tri.

Trên 90% kiến nghị sau giám sát được giải quyết

Vận dụng cách thức giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện cũng phân công các Ban, Tổ đại biểu giám sát toàn bộ nội dung trả lời cử tri; đối với cấp xã do Thường trực HĐND tiến hành.

Sau khi tiếp nhận báo cáo kết quả giải quyết, trả lời ý kiến cử tri của UBND, Thường trực HĐND cùng cấp phân công các Ban HĐND thẩm tra các báo cáo đó. Ban HĐND thực hiện thông qua việc phối hợp với các Tổ đại biểu HĐND và phối hợp với Thường trực HĐND cấp dưới tập trung khảo sát, giám sát lại toàn bộ kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri, có nhận xét đánh giá, phân loại kết quả giải quyết theo các mức độ (đã giải quyết xong, đang giải quyết, giải quyết nhưng cử tri không đồng thuận, chưa giải quyết).

Trên cơ sở đó, Văn phòng tham mưu dự thảo báo cáo giám sát; Thường trực HĐND các cấp tổ chức cuộc họp giám sát với UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp ban hành báo cáo kết quả giám sát kết quả giải quyết, trả lời ý kiến cử tri của UBND huyện tại kỳ họp. Trong đó, đề nghị UBND huyện tiếp tục giải quyết đối với những ý kiến, kiến nghị đang hoặc chưa giải quyết, chưa được cử tri đồng thuận; phải xác định rõ trách nhiệm, giải pháp, lộ trình thực hiện giải quyết, để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Kết quả, 7 năm qua, Thường trực HĐND tỉnh, huyện, xã đã tổng hợp chuyển 20.392 ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND cùng cấp đã có báo cáo trả lời 20.392/20.392 (tỷ lệ 100%) ý kiến, kiến nghị. Qua giám sát, có 17.708/20.392 (tỷ lệ 86,8%) ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan chức năng giải quyết hoàn thành; có 2.684/20.392 (tỷ lệ 13,2%) ý kiến kiến nghị đề nghị UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo giải quyết do cần có lộ trình triển khai thực hiện. Về kết quả giải quyết kiến nghị sau giám sát, UBND các cấp đã chỉ đạo giải quyết được 2.463/2.684 (tỷ lệ 91,8%) kiến nghị sau giám sát; còn 221/2.684 (tỷ lệ 8,2%) số ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được cơ quan chức năng trả lời đầy đủ, rõ ràng, cần tiếp tục xem xét giải quyết và trả lời cho cử tri.

TRÂM NGUYỄN