Tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Bài 1: Chủ động đổi mới, thích ứng linh hoạt

- Thứ Tư, 15/06/2022, 06:57 - Chia sẻ

Các địa phương chủ động tham mưu với cấp ủy trong công tác nhân sự đại biểu HĐND khóa mới theo hướng tăng cường số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm ở các cơ quan hành chính; tham mưu tỉnh ủy, thành ủy ban hành chỉ thị về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026". Nhiều tỉnh, thành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động... Các hoạt động của HĐND trong năm 2021 - năm đầu nhiệm kỳ có nhiều đổi mới, thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tiễn.

Đó là những kết quả nổi bật trong tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND cấp tỉnh năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Tăng cường đại biểu chuyên trách

Theo đánh giá, các địa phương đã chủ động tham mưu với cấp ủy trong công tác nhân sự đại biểu HĐND khóa mới theo hướng tăng cường số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm ở các cơ quan hành chính, nâng cao chất lượng, đủ số lượng, đúng tỷ lệ, đúng cơ cấu các thành phần dự kiến. Đồng thời, chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, bộ máy Văn phòng giúp việc. Đây chính là cơ sở quan trọng giúp HĐND bảo đảm được hoạt động tốt ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng mặc dù là năm đầu tiên thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nhưng đã chủ động, trách nhiệm và quyết tâm cao trong tham mưu với cấp ủy chuẩn bị được đầy đủ số lượng đại biểu HĐND và nhân sự đại biểu chuyên trách, hoàn thành tốt việc kiện toàn tổ chức, bộ máy chính quyền địa phương các cấp đúng theo cơ cấu, thành phần, bầu Hội thẩm nhân dân theo đúng quy định và bố trí đủ số lượng đại biểu HĐND chuyên trách ở các Ban của HĐND.

Thường trực HĐND một số địa phương tham mưu tỉnh ủy, thành ủy ban hành chỉ thị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; hoàn thiện Quy chế phối hợp công tác nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nhiều tỉnh, thành phố ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức phiên họp Thường trực HĐND, kỳ họp HĐND và cung cấp, khai thác tài liệu, tăng cường làm việc trực tuyến để phòng chống dịch. Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của HĐND không ngừng được tăng cường. Nhiều địa phương trang bị máy tính bảng, máy tính xách tay tới 100% đại biểu HĐND cấp tỉnh; xây dựng phần mềm “hệ thống quản lý văn bản HĐND tỉnh”; cung cấp thông tin hỗ trợ kỳ họp trên thiết bị di động, thực hiện biểu quyết trên máy tính bảng...

Một phiên họp giải trình trong năm 2021 của Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang - NGỌC HƯNG
Một phiên họp giải trình trong năm 2021 của Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang 
Ảnh: Ngọc Hưng

Nhiều đổi mới trong hoạt động

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế và hướng dẫn thực hiện đối với tổ chức, hoạt động của HĐND các cấp, bảo đảm thiết thực, sát với thực tiễn, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong hệ thống các văn bản quy định về tổ chức và hoạt động của HĐND.

Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên tổ chức các hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở 3 miền (Bắc, Trung, Nam); đồng thời, tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026 của 6 khu vực trên phạm vi cả nước thành công tốt đẹp, chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm hay và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

Năm 2021, HĐND cấp tỉnh ngoài tổ chức 2 kỳ họp thường lệ, còn tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề (trung bình từ 3 8 kỳ họp). Thời gian tổ chức kỳ họp được rút ngắn, linh hoạt như tổ chức họp trực tuyến hoặc tổ chức kết hợp họp trực tuyến với trực tiếp hoặc xin ý kiến đại biểu HĐND qua văn bản nhưng chất lượng, hiệu quả vẫn được bảo đảm. HĐND cấp tỉnh đã xem xét, ban hành số lượng lớn nghị quyết, tập trung vào việc thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực triển khai nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia (nhất là đối với các tỉnh phía Nam) nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh của các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh,… tạo động lực phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của cả nước.

Hoạt động giám sát được đổi mới, phương thức giám sát có sự linh hoạt, gọn về thành phần, tăng cường khảo sát trước khi tổ chức giám sát. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương vẫn tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề, với nhiều hình thức giám sát phong phú như: Giám sát trực tiếp, gián tiếp (qua báo cáo), kết hợp giám sát tại thực địa và xem xét báo cáo đưa ra những chính sách quan trọng giải quyết những điểm "nghẽn" về kinh tế - xã hội. Nhiều kiến nghị cụ thể đã được các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét giải quyết. Công tác phối hợp của HĐND các tỉnh, thành phố với các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố khi giám sát tại địa phương đã cơ bản được kết nối chặt chẽ, khoa học và hiệu quả hơn.

Hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND được chú trọng thực hiện. HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức linh hoạt, sáng tạo công tác tiếp công dân, tổ chức TXCT dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Một số địa phương phải tạm dừng hoặc thay đổi cách tổ chức hoạt động TXCT trước và sau kỳ họp, song những ý kiến của cử tri vẫn được tiếp nhận đầy đủ, kịp thời thông qua nhiều kênh khác nhau (qua phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử của HĐND, TXCT trực tiếp hoặc trực tuyến ở một số tỉnh; tổng đài đường dây “nóng” của HĐND tỉnh, thành phố; qua phiếu lấy ý kiến của cử tri). Theo báo cáo của các địa phương, về cơ bản các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, đạt hơn 85% tổng số kiến nghị.

THÁI AN