Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND là vấn đề có tính nguyên tắc, quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Đặc biệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo định hướng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh trong thời kỳ CNH, HĐH và Hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, đời sống nhân dân các dân tộc tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm; Văn hóa, xã hội hội có bước tiến bộ; Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được củng cố, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân được tăng cường. Những thành tựu đó đã tạo đà để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Đặc biệt về lĩnh vực kinh tế, trong 3 năm qua tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về thu hút đầu tư; về phát triển nông nghiệp nông thôn; về phát triển công nghiệp và Nghị quyết về phát triển du lịch... đó là những chủ trương vừa có tính cơ bản, cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài. Kết quả đã tạo được sự chuyển biến mới, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, đạt mục tiêu đề ra. Thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, môi trường đầu tư dần được cải thiện, mở rộng các hoạt động xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước. Tính đến ngày 31/12/2008, trên địa bàn tỉnh có 215 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 85.224.500 USD và 13.344 tỷ đồng (quy đổi 14.793 tỷ đồng), diện tích đất đăng ký là 24.201ha; Ngoài ra, trong những năm qua tỉnh đã cấp 126 Giấy phép thăm dò và khai thác khoáng sản. Kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư xây dựng, bộ mặt đô thị và nông thôn đổi mới, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng có hiệu quả hơn, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tuy nhiên, trong việc thực hiện quyền quyết định còn những hạn chế bất cập. Hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát đang là khâu yếu trong hoạt động của HĐND. Trọng tâm giám sát nói chung còn phân tán, chưa đi sâu vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống để chỉ ra những thiếu sót, bất cập hoặc phát hiện những nhân tố mới làm cơ sở để HĐND quyết định, điều chỉnh chính sách. Công tác thẩm tra của các Ban HĐND đôi khi còn hình thức. Hoạt động chất vấn còn nhiều hạn chế. Việc đôn đốc, kiểm tra xử lý các kiến nghị, kết luận sau giám sát, thiếu những biện pháp chế tài cụ thể để xử lý. Vai trò của các cơ quan tham mưu cho HĐND trong việc quyết định nhiệm vụ phát triển KT- XH, AN- QP chưa kịp thời. Cử tri, mọi tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế ở địa phương tham gia đối với hoạt động của HĐND cũng còn thụ động. Quy trình xây dựng văn bản chính sách, pháp luật và Nghị quyết của HĐND chưa thực sự được đổi mới phần lớn là triển khai từ trên xuống (việc lấy ý kiến nhân dân trong quá trình chuẩn bị nghị quyết về kinh tế – xã hội chưa được làm thường xuyên). Nhiều lĩnh vực chưa được quan tâm thoả đáng.
Những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND các cấp ở tỉnh Hoà Bình:
Nhịp độ, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm. Chất lượng và quy mô tăng trưởng chưa bền vững; sức cạnh tranh hàng hoá trên thị trường còn yếu; việc huy động các nguồn lực cho tăng trưởãng và phát triển kinh tế chưa được khai thác tốt. Thiếu quy hoạch chi tiết về phát triển ngành, lĩnh vực.
Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án và giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ còn chậm. Công tác tham mưu trong việc xây dựng cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực còn hạn chế, chưa tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển KT- XH.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động còn yếu. Công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá còn nhiều bất cập. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, công tác hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội triển khai thực hiện chưa kịp thời.
Cải cách hành chính còn chậm, Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn rườm rà. Trình độ và năng lực cán bộ, công chức còn nhiều bất cập.
Công tác quản lý đất đai, quản lý đô thị, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, quản lý, giám sát hoạt động của các chủ đầu tư còn có những mặt hạn chế. Năng lực chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của chính quyền cơ sở và một số ngành thiếu năng động, sáng tạo.
Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông và đơn thư khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội chưa được tổ chức thực hiện tốt. Tình trạng vi phạm an toàn giao thông còn diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh.
Nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém trên là do Hoà Bình và các tỉnh trong khu vực nằm trong bối cảnh chung là điểm xuất phát về kinh tế còn thấp. Cơ sở hạ tầng về kinh tế- xã hội còn thấp kém, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Các điều kiện để phát triển kinh tế- xã hội chưa đồng bộ.
Một số cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự năng động, sáng tạo, chủ động trong các biện pháp, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn khá nặng nề trong một bộ phận cán bộ và nhân dân.
Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chủ trương, chính sách, của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Nghị quyết của HĐND còn hạn chế. Chậm tổng kết đánh giá thực tiễn, chưa kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập từ cơ chế, chính sách và những vấn đề mới, nhân tố mới phát sinh trong thực tiễn địa phương để đề xuất các chính sách, biện pháp điều chỉnh, tháo gỡ.
Năng lực tham mưu của các ngành chức năng cho cấp uỷ Đảng và HĐND trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách, xây dựng các Nghị quyết về phát triển kinh tế- xã hội còn nhiều hạn chế.
Trình độ và nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân và đại biểu HĐND về kinh tế thị trường, sản xuất hàng hoá, hội nhập quốc tế và những vấn đề có tính toàn cầu còn nhiều hạn chế.
Từ thực tiễn xin đề xuất một số giải pháp và kiến nghị sau:
Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND là vấn đề có tính nguyên tắc, quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Đặc biệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo định hướng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh trong thời kỳ CNH, HĐH và Hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai: Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định đến hoạt động của HĐND. Do đó, cần có sự quan tâm sâu sắc của các cấp uỷ Đảng về công tác tổ chức, cán bộ. Đặc biệt là cán bộ làm công tác HĐND, những cán bộ trong quy hoạch phải được đào tạo, bồi dưỡng và phân công, luân chuyển công tác hợp lý và khoa học. Đảm bảo số cấp uỷ cần thiết trong cơ cấu tổ chức của HĐND các cấp, tăng cường đội ngũ cán bộ có năng lực tham gia làm đại biểu HĐND để thực thi nhiệm vụ đúng với vị thế là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Thứ ba: Phát huy vai trò của Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân với vai trò là hạt nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vận dụng vào quá trình hoạt động của HĐND. Thường trực HĐND cần chủ động đề ra được lộ trình, kế hoạch xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển kinh tế- xã hội. Có phương thức giám sát hợp lý và khoa học, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập và những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn để tháo gỡ, điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ tư: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tham mưu của các ngành và các cấp chính quyền cho Tỉnh uỷ, HĐND, trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. Nâng cao năng lực, trí tuệ và kỹ năng hoạt động cho đại biểu, chất lượng kỳ họp, kỹ năng và chất lượng giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thứ năm: Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ về nội dung kỳ họp, các báo cáo, dự thảo Nghị quyết dự kiến trình kỳ họp đều phải được Thường trực HĐND tổng hợp để Đảng đoàn báo cáo Ban Thường vụ xem xét cho ý kiến, đảm bảo tính thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo chung của cấp uỷ và đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi của các Nghị quyết được HĐND thông qua.
Thứ sáu: Quốc hội cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức HĐND theo hướng tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách ở các Ban; xác định rõ vai trò của Thường trực HĐND là cơ quan có đủ thẩm quyền quyết định các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND giữa hai kỳ họp và có thẩm quyền trực tiếp quyết định các chính sách phát triển của địa phương. Nghiên cứu, xem xét và ban hành Luật giám sát của HĐND, đây là công cụ pháp lý quan trọng, là bảo đảm cần thiết để thực hiện tốt chức năng giám sát và nâng cao năng lực quyết định của Hội đồng nhân dân.