Nếu không có HĐND đầy đủ ở các cấp chính quyền thì không còn là Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân nữa
- Ngay khi Hiến pháp (sửa đổi) được QH thông qua, Chương về Chính quyền địa phương đã nhận được rất nhiều sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận xã hội. Nhiều ý kiến nhấn mạnh đây là một trong những thành công lớn nhất của Hiến pháp (sửa đổi). Với một người luôn trăn trở và nhiệt thành ủng hộ chính quyền địa phương, ủng hộ HĐND các cấp, nguyên Chủ nhiệm có cảm nhận như thế nào?
- Tôi hoan nghênh và đồng thuận rất cao Chương về Chính quyền địa phương trong Hiến pháp (sửa đổi). Chúng ta đã tiếp tục khẳng định được những nguyên lý cơ bản nhất, bản chất nhất của một chính quyền địa phương trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nguyên lý đó là, ở đâu có cơ quan hành chính thì ở đó phải có cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương được nhân dân trực tiếp bầu ra, được nhân dân ủy quyền quyết định các vấn đề của địa phương và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương.
Tôi còn vui hơn nữa khi Chương về Chính quyền địa phương là một trong những nội dung gây tranh luận nhiều nhất trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhưng cuối cùng, quan điểm về chính quyền địa phương với nguyên lý nêu trên đã giành được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số ĐBQH. QH đã có một quyết định đúng đắn và sáng suốt. Vì thế có thể xem Chương về Chính quyền địa phương là một thành công lớn trong sửa đổi Hiến pháp lần này. Nhưng thành công lớn hơn của Chương Chính quyền địa phương là chúng ta đã đấu tranh lại được với những quan điểm muốn xóa bỏ HĐND, muốn nhân việc sửa đổi Hiến pháp lần này để có thể hợp hiến hóa việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình ở một số cấp sẽ chỉ có UBND là cơ quan hành chính mà không có HĐND là cơ quan đại diện cho dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Vì thế, thành công của Chương Chính quyền địa phương còn là thắng lợi đối với tư tưởng diễn biến hòa bình và tự diễn biến.
- Nhìn lại lịch sử gần 70 năm của chính quyền địa phương, dường như luôn có hai thái cực: một bên luôn mong muốn xóa bỏ HĐND và một bên luôn kiên trì đấu tranh bảo vệ sự tồn tại của HĐND. Có thể lý giải điều này như thế nào, thưa nguyên Chủ nhiệm?
- Tôi cho rằng, có nhận thức khác nhau và dẫn đến sự tranh luận dai dẳng về vấn đề HĐND có phải là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, có cần tổ chức HĐND ở đầy đủ các cấp chính quyền hay không cũng là điều dễ hiểu thôi. Mỗi người ở góc độ, cương vị công tác của mình có thể dẫn đến cách nhìn nhận khác nhau. Những người ở cơ quan hành pháp luôn muốn ở một số cấp không có HĐND để UBND có quyền hết, điều hành hết mọi công việc của địa phương, không phải báo cáo, giải trình, không phải chịu sự giám sát của HĐND nữa. Những người này cũng cho rằng HĐND ở cấp huyện, quận, phường, xã – nói chung là ở các cấp dưới là không có tác dụng gì vì các vấn đề đều đã được cấp trên quyết định rồi, chủ trương, đường lối chính sách rồi các vấn đề về ngân sách thì HĐND cấp tỉnh cũng đã quyết định rồi. Người phản đối gay gắt và quyết liệt nhất có lẽ là Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ Phan Ngọc Tường. Tôi nhớ, ông ấy còn nói đến mức khi nào chưa nhắm mắt thì còn kiên trì đến cùng việc giải tán HĐND. Tôi cũng không hiểu vì sao mà bên Chính phủ, nhất là Bộ Nội vụ lại bảo thủ vô cùng trong việc bỏ HĐND.
Tuy nhiên, những người muốn bỏ HĐND đã quên mất một điều rằng, ngoài việc quyết định một số vấn đề về phát triển KT - XH của địa phương thì nhiệm vụ hết sức quan trọng của HĐND cấp huyện, xã là giám sát việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước tại địa phương. UBND là cơ quan hành chính, được giao quyền điều hành các vấn đề của địa phương thì phải chịu sự giám sát là điều tất yếu, nếu không sẽ có nguy cơ lạm quyền và lộng quyền. Đây là nguyên lý hết sức phổ quát. Các nước trên thế giới dù mô hình, tổ chức bộ máy có khác nhau nhưng cũng luôn có một thiết chế đại diện cho người dân, thay mặt người dân giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước tại địa phương. Việc có thiết chế HĐND đầy đủ ở mỗi cấp chính quyền trong hệ thống chính trị nước ta còn là tất yếu vì chúng ta đã khẳng định mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. HĐND không chỉ là cơ quan đại diện cho dân mà còn phải là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, được người dân địa phương đó bầu ra, ủy quyền quyết định các vấn đề của địa phương và giám sát việc thực hiện quyền lực của các cơ quan nhà nước ở địa phương.
- Thử tưởng tượng nếu chính quyền địa phương, nhất là ở cấp huyện, xã không có HĐND…
- Chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện, xã là nơi tiếp xúc với người dân nhiều nhất, trực tiếp nhất. Có đưa được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống hay không; có thực sự bảo đảm được bản chất tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân hay không cũng chính là ở cấp này. Vừa qua, chúng ta đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại một số địa phương – mà tôi cũng xin nói lại một lần nữa là, việc thí điểm này không đúng, nếu không muốn nói là vi hiến. Những người muốn bỏ HĐND huyện, quận, phường đều nói là qua thí điểm cho thấy, không có HĐND thì công việc suôn sẻ hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn... Tôi thì tôi không tin vào những lý lẽ như vậy đâu. Thực tế là, nếu không có HĐND cấp huyện, xã nhắc nhở, giám sát thì quyền lực nhà nước sẽ tập trung tối đa vào Chủ tịch UBND huyện, xã. Khi quyền lực tập trung quá mức vào một cá nhân thì cái bệnh lạm quyền, lộng quyền nó đến tự nhiên lắm, khó ai có thể tránh được. Tham nhũng, yếu kém cũng từ đó mà ra. Từ góc độ của người dân – những người chủ thực sự của quyền lực nhà nước, họ phải có người để gửi gắm, để yêu cầu giám sát, ngăn ngừa những hành vi lạm quyền, lộng quyền của cơ quan hành pháp chứ? Gửi gắm ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh là đương nhiên rồi, nhưng ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh thì ở xa, có phải lúc nào cũng sát sườn được với dân đâu. Phải là những người trực tiếp với dân, những người ở ngay trên địa bàn của dân, thấu hiểu được tình hình địa phương và có khả năng giúp dân giải quyết vấn đề. Nếu bỏ HĐND huyện, quận, phường thì dân còn biết tiếp xúc với ai, trông cậy vào ai?
Nói nhẹ nhàng thì những người muốn bỏ HĐND là vì muốn giải quyết công việc cho nhanh gọn, nhưng nếu quy thành quan điểm, thành tư tưởng thì tôi nói thẳng, việc đòi bỏ HĐND huyện, quận, phường là sai trái và không phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh vì như vậy là chúng ta làm mất quyền dân chủ của người dân. Nếu không có HĐND đầy đủ ở các cấp chính quyền thì không còn là Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân nữa. Vì thế, từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời cho đến nay, quan điểm muốn xóa bỏ HĐND luôn tồn tại nhưng cũng luôn thất bại vì những người có quan điểm này không có chân lý, không có thực tiễn cuộc sống.
Làm cho HĐND mạnh lên chính là trách nhiệm của chúng ta!
- Chương Chính quyền địa phương trong Hiến pháp (sửa đổi) là một thành công lớn. Và điều quan trọng hơn hiện nay là sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND để thể chế hóa chính xác, sâu sắc và toàn diện quan điểm về chính quyền địa phương đã được hiến định, thưa nguyên Chủ nhiệm?
- Vừa qua, sau khi Hiến pháp (sửa đổi) được thông qua, tôi thấy có ý kiến của người có trách nhiệm nói rằng, việc quy định mở về Chế định Chính quyền địa phương vẫn cho phép sau này có thể thành lập một cấp chính quyền mà ở đó chỉ có UBND, không có HĐND. Tôi đọc lại Hiến pháp thì thấy Hiến pháp đã khẳng định rất rõ ràng: cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, bầu ra UBND; UBND là cơ quan chấp hành của HĐND. Tất nhiên đây chỉ là một số ít ý kiến, có thể họ chưa hiểu thật đầy đủ, thật chính xác Hiến pháp nhưng cũng cần lưu ý. Tôi rất sợ việc hiểu khác nhau về chế định Chính quyền địa phương dẫn đến việc sửa đổi luật không đúng với quan điểm, tinh thần của Hiến pháp. Điều này đòi hỏi UBTVQH, các cơ quan của QH, các ĐBQH cần tuyên truyền, phổ biến và chuyển tải đúng tinh thần của Hiến pháp đến với dân, với cán bộ, công chức và bảo đảm việc sửa đổi luật về tổ chức chính quyền địa phương phải tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp.
- Tư tưởng muốn bỏ HĐND luôn tồn tại có lẽ cũng còn vì vừa qua, ở một số nơi, hoạt động của HĐND vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nhưng thực tiễn cũng đã chứng minh, nguyên nhân căn bản của việc chưa hiệu quả này không phải do bản thân thiết chế HĐND mà là do các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của HĐND còn hạn chế. Việc sửa đổi luật về tổ chức chính quyền địa phương tới đây có lẽ sẽ là một cơ hội lớn để khắc phục điều này, thưa nguyên Chủ nhiệm?
- Một cơ hội lớn và không nên bỏ lỡ. Như tôi đã nói, tư tưởng muốn bỏ HĐND luôn tồn tại nhưng luôn thất bại vì những người có tư tưởng này không có chân lý và không có thực tiễn cuộc sống. Sự tồn tại của HĐND là điều hiển nhiên, không cần phải tranh luận nữa. Vấn đề là phải làm cho HĐND các cấp mạnh lên, thực sự mạnh mẽ để cơ quan này thực hiện được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ không đơn giản đâu vì nó phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, quan điểm của cả hệ thống chính trị, từ Đảng cho đến các cơ quan nhà nước, kể cả QH, quan niệm của một số ĐBQH về HĐND cũng còn dè dặt; nhất là bên hành pháp lại càng cố gắng tìm ra những nhược điểm, soi mói HĐND để giải tán đi mà không thấy rằng làm cho HĐND mạnh lên chính là trách nhiệm của chúng ta.
- Đổi mới nhận thức về vai trò, vị trí của HĐND có lẽ cũng phải rất kiên trì, thưa nguyên Chủ nhiệm?
- Đúng vậy, phải đấu tranh rất kiên trì và quyết liệt. Ví dụ, cuộc đấu tranh để có được Thường trực HĐND như hiện nay chẳng hạn. Trước đây chúng ta làm gì có Thường trực HĐND? Từ năm 1989 về trước, HĐND chỉ có một chức danh là Ban Thư ký và Trưởng ban Thư ký HĐND còn người điều hành Kỳ họp HĐND lại là Chủ tịch UBND. Chúng tôi thấy không ổn. Được sự ủng hộ của Chủ tịch Nước Võ Chí Công, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, tôi cùng với Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước Nguyễn Việt Dũng đã tổ chức hai Hội nghị ở 2 miền để bàn về vai trò chủ trì ở HĐND. Qua Hội thảo, các ý kiến đều phàn nàn về vai trò của Ban Thư ký HĐND là quá thấp, chỉ là cái bóng của Chủ tịch UBND. Chủ tịch UBND chỉ đạo, điều hành thế nào thì Trưởng ban Thư ký HĐND làm như thế. Tức là, tuy có HĐND nhưng thực chất Chủ tịch UBND được toàn quyền, vừa đá bóng vừa thổi còi. Nhờ có 2 Hội nghị ấy, chúng tôi đã xây dựng đề án trình QH việc sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND với nội dung rất mới là thành lập Thường trực HĐND.
Tuy nhiên, để đưa được mô hình mới là Thường trực HĐND vào Luật thì cũng phải thảo luận, đấu tranh mãi. Đến Kỳ họp cuối năm 1989 mới được thông qua. Sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1989 cũng là sự kiện quyết định để đưa HĐND từ hình thức quá đáng thành bớt hình thức. Ngay cả tên gọi Thường trực HĐND cũng phải đấu tranh. Lúc đó, chúng tôi đưa ra 3 phương án, một là Đoàn Chủ tịch của HĐND; hai là Ban Thường vụ HĐND; ba là, Thường trực HĐND. Phương án 2 là tốt nhất nhưng một số người lại e ngại là mở ra như vậy là lớn quá, dềnh dàng quá nên cuối cùng đành lấy tên Thường trực HĐND, chấp nhận lùi một bước để tiến hai bước, tức là chấp nhận có cái tên gọi như vậy trong luật để có cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thường trực này như mong muốn. Chúng tôi cũng mong muốn thành lập Thường trực HĐND ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã nhưng cấp tỉnh, huyện thì được chấp nhận còn cấp xã thì không được.
Tiếp đó là cơ cấu Thường trực HĐND như thế nào cũng phải đấu tranh. Ban đầu, Thường trực HĐND có 3 người: 1 Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch và 1 Thư ký HĐND. Người làm thư ký HĐND thì tâm tư lắm vì quan niệm thư ký là người giúp việc. Chúng tôi đấu tranh để bổ sung thành 2 Phó chủ tịch HĐND mà không được và phải chịu lùi một bước là Thường trực HĐND chỉ có 2 người là Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐND. Đến mãi sau này, qua thực tiễn, thấy Thường trực HĐND nhất thiết phải có ít nhất là 3 người thì mới được chấp nhận Thường trực HĐND gồm 1 Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch và 1 Ủy viên Thường trực như bây giờ.
- Thưa nguyên Chủ nhiệm, thực tiễn hoạt động của HĐND các cấp thời gian qua cũng đã chứng minh một điều, ở đâu cấp ủy đảng quan tâm, tạo điều kiện cho HĐND thì ở đó HĐND sẽ mạnh. Nguyên Chủ nhiệm suy nghĩ như thế nào về vai trò của Đảng trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp?
- Trong thể chế của chúng ta thì rõ ràng, để HĐND mạnh, vai trò của Đảng là quyết định. Thực tế cho thấy, ở đâu, Bí thư Đảng ủy nhận thức đúng đắn về vai trò của HĐND thì nơi đó HĐND sẽ mạnh, nơi nào Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND thì vị thế, tiếng nói của HĐND cũng khác rất nhiều. Tôi cho rằng, việc đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò của HĐND muốn đạt hiệu quả như mong muốn cần bắt đầu từ cấp cao nhất của Đảng. Nếu có một Nghị quyết về đổi mới vai trò lãnh đạo của Đảng đối với HĐND, đổi mới hoạt động của HĐND thì chắc chắn sẽ có tác động rất sâu sắc, tạo sự thống nhất thực hiện trên phạm vi cả nước và từ đó sẽ tạo được sự chuyển biến trong hoạt động cũng như nâng cao vị thế của HĐND.
- Như nguyên Chủ nhiệm chia sẻ, ở đâu Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND thì vị thế của HĐND sẽ khác rất nhiều… Vậy, có nên luật hóa điều này hay không?
- Nếu luật hóa được thì rất tốt. Vừa qua, một số vị (vào loại có quyền lực) muốn Bí thư Đảng kiêm Chủ tịch UBND. Thật sai lầm. Chủ tịch UBND nhiều việc lắm, nhất là lo toan phát triển kinh tế; đồng thời cái quyền về kinh tế cũng lớn lắm. Bí thư Đảng mà kiêm cả Chủ tịch UBND thì quyền lực quá lớn, dễ mắc bệnh chủ quan, dễ lạm quyền và lộng quyền. Nhưng Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND thì chủ trương, chính sách của Đảng và mong muốn, nguyện vọng của nhân dân sẽ hòa hợp, ý Đảng lòng Dân sẽ thống nhất. Hiệu quả chắc chắn sẽ tốt.
- Xin trân trọng cám ơn những chia sẻ rất tâm huyết của nguyên Chủ nhiệm!