Do tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên, gây bức xúc trong nhân dân, Giám đốc Điện lực Hà Nam được đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên. Rất nhiều câu hỏi bức xúc xung quanh vấn đề này được cử tri gửi đến qua đường dây nóng của kỳ họp. Trả lời câu hỏi về nguyên nhân việc tiết giảm điện giữa các khu vực; việc bán điện cho dân với giá giờ cao điểm; cắt điện không theo lịch thông báo ... Giám đốc Vũ Thanh Liêm rành rẽ: nguyên nhân tiết giảm điện trong thời gian qua là do nhu cầu sử dụng điện của người dân trong mùa hè tăng cao, trong khi công suất và sản lượng điện của tỉnh không đủ để cung ứng, nên ngành điện phải thực hiện biện pháp cắt điện luân phiên để tiết giảm điện, khu vực thành phố được ưu tiên hơn vì có mật độ dân cư đông, không gian chật hẹp, lại không có cây cối, ao hồ như ở nông thôn. Còn về giá điện, ông Liêm khẳng định: không có chuyện tính giá điện cho người dân theo mức giá giờ cao điểm, vì hiện nay Điện lực tỉnh mới chỉ tiến hành lắp đặt một số công tơ theo 3 biểu giá (giờ cao điểm, trung điểm và thấp điểm) tại thành phố Phủ Lý. Lịch tiết giảm điện hàng tuần, Điện lực tỉnh đã thông báo trên các phương tiện truyền thông để nhân dân nắm được… Đại biểu Ngô Xuân Vĩnh chất vấn: theo giải trình, lịch tiết giảm điện được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng với kế hoạch tiết giảm điện của Công ty, người dân sao có thể xem ti vi để biết lịch? Giám đốc có thể cho biết ngành điện đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu sử dụng của nhân dân? - Đáp ứng được 75% - rất tự tin, vị giám đốc trả lời tức thì và bình tĩnh, chân thành nhận trách nhiệm của ngành điện, đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng của nhân dân trong thời gian tới.
Sau điện là nước. Cử tri hỏi: hiện nay nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng, Công ty cấp nước làm thế nào để bảo đảm nước cung cấp cho dân sử dụng là nước sạch? Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Công ty cấp nước Hà Nam Vũ Ngọc Bích rành mạch: không lấy nước từ sông Nhuệ mà lấy nước từ sông Đáy để sử dụng, nhưng do sông Đáy hợp lưu với sông Nhuệ nên Công ty đã phải cử người túc trực 24/24 giờ, thời điểm nào nước sông sạch mới cho bơm, chỉ cần công nhân trực lơ đãng ngủ quên là bơm phải nước bẩn. Chủ toạ hỏi: đã lần nào công nhân vì ngủ quên, bơm phải nước bẩn chưa? Lãnh đạo ngành nước thật thà: có một lần và đó là bài học nhớ đời, vì kinh phí để khắc phục hậu quả rất lớn, công ty đã phải chịu… Mọi thông tin đã rõ. Chủ toạ kỳ họp gợi mở, yêu cầu Công ty cấp nước Hà Nam phải có giải pháp tập trung, đầu tư mở rộng đường ống, tăng công suất để cung cấp nước sạch cho nhân dân, kể cả khu vực nông thôn.
Thực trạng, giải pháp của cơ quan bảo hiểm trong việc xử lý các đơn vị không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, do Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Ngô Văn Đệ giải trình. Ông Đệ đã nhận trách nhiệm “xảy ra tình trạng trên có lỗi của cơ quan bảo hiểm, do chưa thực sự đôn đốc giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”. Để giải quyết, ông Đệ hứa “sẽ đôn đốc xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm”.
Thẳng thắn và cầu thị, Giám đốc BHXH không chỉ giải toả phần nào băn khoăn, bức xúc của cử tri về tình trạng nợ đọng BHXH, mà còn để lại ấn tượng đẹp về thái độ rất trách nhiệm khi trả lời câu hỏi về chế độ bảo hiểm của cử tri qua đường dây nóng. Với lịch hẹn cụ thể, Giám đốc hứa sẽ trực tiếp xem xét, giải quyết hồ sơ của cử tri này.
Phiên chất vấn sôi động khi vụ án dân sự số 03/2003 về tranh chấp đất đai giữa anh Phạm Văn Thắng và bà Phạm Thị Sự thôn Thọ Mai, xã Nhân Hưng, huyện Lý Nhân được đưa ra chất vấn. Đây là vụ án đã được xét xử ngày 25.9.2003, TAND huyện Lý Nhân tuyên: buộc anh Phạm Văn Thắng phải trả lại cho bà Phạm Thị Sự 490m2 đất. Bản án đã có hiệu được 6 năm, mặc dù đã được đôn đốc rất nhiều nhưng đến nay chưa thi hành, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, Kỳ họp thứ 18 này, nhiều ý kiến chất vấn lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh về lý do bản án chậm được thi hành? Yêu cầu làm rõ để xảy ra tình trạng chậm thi hành án, trách nhiệm của Cục trưởng thi hành án dân sự tới đâu? Cục Thi hành án dân sự có kế hoạch như thế nào để thi hành bản án trong thời gian tới?... Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự đưa ra lý do: vụ án lâu ngày, diễn biến phức tạp; bản án tuyên có điểm không rõ ràng (không nói rõ thửa đất phải thu hồi giáp ranh như thế nào)… nên chậm thi hành. Đại biểu truy vấn trách nhiệm của ngành Tòa án, yêu cầu cho biết bản án có thực sự vướng mắc không? Lãnh đạo TAND khẳng định: án tuyên sau 3 năm các đương sự không có kháng nghị. Bản án đã có hiệu lực pháp luật, phải được thi hành… Sau câu trả lời, quả bóng trách nhiệm mà Cục Thi hành án dân sự đá sang ngành TAND lại quay ngược trở về sân nhà: chậm thi hành bản án, trách nhiệm thuộc về Cục Thi hành án dân sự. Không khí hội trường nóng bỏng, bức xúc. Chủ toạ kỳ họp phải vào cuộc, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự thi hành bản án này.
Sôi động và hiệu quả, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Hà Nam thực sự ấn tượng bởi trách nhiệm của đại biểu và sự quyết liệt của cử tri.