Trước tình hình các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến tranh chấp đất đai, kể cả đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng ngày một gia tăng, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Nam đã xây dựng kế hoạch giám sát nội dung này. Rút kinh nghiệm một số cuộc giám sát khác, nếu chỉ nghe báo cáo, trình bày của đơn vị được giám sát thì nhiều khi không nắm hết thực chất của sự việc. Vì vậy, trong lần giám sát này, ngoài nghe cơ quan, đơn vị báo cáo, Ban trực tiếp gặp người dân có đơn thư khiếu nại, tố cáo; gặp đối tượng bị khiếu nại, tố cáo và gặp cơ quan liên quan, sau đó tổ chức tọa đàm, cùng tìm hướng giải quyết. Cách làm như vậy đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong giải quyết vụ ông Nguyễn Thanh Bình (xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) khiếu nại việc ông đã nộp tiền nhưng không được giao đất. Vụ việc này, ông Bình đã khiếu nại cả 3 cấp: xã, huyện, tỉnh nhưng đến nay chưa giải quyết xong.
Cụ thể, năm 1991, ông Nguyễn Thanh Bình mua một căn nhà gắn liền với 180m2 đất ở của ông Nguyễn Văn Yên xã Ngọc Sơn, cùng huyện Kim Bảng với giá 3.200.000đ (Ba triệu hai trăm nghìn đồng). Việc mua bán này là hợp pháp. Bà Vũ Thị B. Chủ tịch UBND xã, ông Hoàng Hữu L. Phó chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Ngọc Sơn ký xác nhận. Ông Bình đã nộp tiền, ông Yên (người bán nhà) ký giấy biên nhận đã nhận đủ tiền. Lệ phí trước bạ 100.000đ (Một trăm nghìn đồng) cũng đã được nộp vào ngân sách.
Trong thời gian ông Bình chưa sử dụng căn nhà mới mua thì ông Yên lại bán chính căn nhà đó cho người khác. Ông Bình báo cáo với lãnh đạo xã. Bà Ba, Chủ tịch UBND xã (là mẹ vợ ông Yên) thỏa thuận với ông Bình, thay cho căn nhà nói trên, xã sẽ cấp cho ông Bình một thửa đất khác có diện tích 120m2 cạnh đường Quốc lộ 21B, còn số tiền 3.200.000đ ông Bình đã trả, UBND xã sử dụng vào việc khác.
Năm 1996, UBND xã Ngọc Sơn cấp cho ông Bình 120m2 đất ven đường Quốc lộ 21B thay cho căn nhà ông mua năm 1991 nói trên. Nhưng theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, ông Bình phải trả tiền mới được cấp đất. Ông Bình không chịu vì ông đã trả đủ tiền mua nhà rồi. Trước tình hình đó, UBND xã Ngọc Sơn không giao thửa đất đó cho ông Bình và cũng không giao cho ai khác.
Trong buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND tỉnh (có mời Kiểm sát viên VKSND tỉnh cùng tham gia), lãnh đạo UBND xã Ngọc Sơn xác nhận những nội dung trong đơn của ông Bình là đúng. Bà Vũ Thị Ba, Chủ tịch UBND xã trước đây có trình bày là đã sử dụng số tiền 3.200.000đ của ông Bình để trả nợ của xã. Nhưng việc này không được bàn giao khi bà Ba thôi giữ chức Chủ tịch, nên lãnh đạo xã sau này không chịu trách nhiệm và xã cũng không tìm đâu ra số tiền đó để trả thay cho ông Bình, vì theo quy định của tỉnh, đất ven Quốc lộ 21B có giá rất cao so với trước đây.
Sau khi xem xét kỹ vụ việc, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Nam kết luận:
Một, việc ông Bình mua nhà là hợp pháp, đã được chính quyền đồng ý. Đến nay ông Bình chưa có đất, lỗi thuộc chính quyền chứ không thuộc ông Bình.
Hai, bà Ba phải chịu trách nhiệm trả tiền sử dụng đất cho ông Bình. Việc bà cho rằng số tiền 3.200.000đ của ông Bình bà dùng để trả nợ cho xã là không có cơ sở.
Ba, đề nghị lãnh đạo xã Ngọc Sơn gặp gỡ, động viên bà Ba trả tiền sử dụng đất cho ông Bình để không ảnh hưởng đến thành tích của địa phương. Vì từ trước tới nay, Ngọc Sơn luôn là xã có nhiều thành tích của huyện Kim Bảng.
Bốn, nếu bà Ba không nhận thức được vấn đề, không trả tiền đất thay cho ông Bình, Ban Pháp chế sẽ chuyển hồ sơ vụ việc này đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra giải quyết.
10 ngày sau buổi làm việc nói trên của Ban pháp chế, UBND xã Ngọc Sơn có Báo cáo số 65/BC-UBND ngày 5.11.2012 gửi Ban Pháp chế HĐND tỉnh với nội dung: đã gặp gỡ, động viên, trao đổi với bà Ba và bà đã nộp đủ số tiền theo quy định để UBND xã làm thủ tục cấp cho ông Bình thửa đất ven đường Quốc lộ 21B như dự kiến năm 1996. Ông Bình đã chấm dứt khiếu kiện.
Qua vụ việc trên, có thể rút ra một số kết luận:
Việc khiếu kiện, phức tạp kéo dài, khiếu kiện vượt cấp có nguyên nhân quan trọng từ chính quyền cơ sở. Nhiều trường hợp người dân khiếu kiện đúng, nhưng chính quyền cơ sở đã tránh né, đùn đẩy, không quan tâm giải quyết quyền lợi chính đáng của dân, dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, làm cho sự việc từ nhỏ thành to, từ đơn giản thành phức tạp.
Về hoạt động giám sát của HĐND, từ trước tới nay dư luận vẫn có nhận xét là còn hình thức, không hiệu quả, không có chế tài để thực hiện những kiến nghị sau giám sát. Nhưng, nếu các đại biểu HĐND nắm vững pháp luật, không nể nang tránh né, có tâm huyết trong việc thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, thực sự muốn giám sát đến nơi đến chốn, thì vẫn có thể thực hiện được quyền hạn của mình theo luật định.
Trong hoạt động giám sát, bên cạnh việc giám sát chung, cần tổ chức giám sát một số vụ việc cụ thể, mời chuyên gia có kinh nghiệm của những ngành có liên quan tham gia giám sát, có kết luận rõ ràng, cụ thể thì sẽ nâng cao được hiệu quả công tác giám sát.