Giúp đại biểu trả lời cử tri ngay tại buổi tiếp xúc

- Chủ Nhật, 22/05/2022, 06:12 - Chia sẻ

Theo kinh nghiệm của Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu, để giúp đại biểu vừa TXCT, vừa xử lý ý kiến, kiến nghị, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng bố trí công chức có năng lực, kinh nghiệm tham gia TXCT, trợ giúp đại biểu trong việc kiểm tra, thu thập thông tin để có thể trả lời cử tri ngay tại buổi tiếp xúc, qua đó giảm rõ rệt số kiến nghị cần giám sát. Cùng với nghiên cứu kỹ nội dung đơn để có hướng xử lý phù hợp, đúng quy định, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết. Trường hợp cần thiết, phải đến tận nơi để khảo sát và trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan do Thường trực hoặc các Ban HĐND chủ trì.

Đến tận nơi khảo sát, trao đổi, đối thoại trực tiếp

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, một trong những nội dung Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu chú trọng là yêu cầu đại biểu dành thời gian tìm hiểu tình hình địa bàn trước khi TXCT, những nội dung cử tri quan tâm, nắm chắc các kiến nghị đã được cơ quan chức năng trả lời, nội dung trả lời, giải quyết, tránh tình trạng tiếp tục tổng hợp gửi đến tỉnh. Đối với những ý kiến, kiến nghị có nội dung “hỏi để biết” hoặc mang tính sự vụ, có thể giải quyết ngay thì đại biểu, Tổ đại biểu liên hệ, trao đổi ngay với các sở, ngành chức năng để giải quyết nhanh và trả lời cho cử tri. Đồng thời, để giúp đại biểu vừa TXCT, vừa xử lý ý kiến, kiến nghị, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng bố trí công chức có năng lực, kinh nghiệm tham gia TXCT, trợ giúp đại biểu trong việc kiểm tra, thu thập thông tin để có thể trả lời cử tri ngay tại buổi tiếp xúc. Chính vì làm tốt khâu này nên số lượng kiến nghị cần giám sát giảm rõ rệt (nhiệm kỳ 2021 - 2026 còn trung bình 10 - 15 kiến nghị sau mỗi lần TXCT).

Kinh nghiệm của Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu qua thực tiễn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các đơn thư gửi đến là cần kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, nên giao Phòng Thông tin - Dân nguyện thuộc Văn phòng chuyên tham mưu, xử lý, đồng thời bố trí công chức có trình độ, năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm tham mưu công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Thường trực HĐND tỉnh phân công 1 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phụ trách nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; giao nhiệm vụ cho 1 Ban HĐND tỉnh thường xuyên đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo đối với các cơ quan chức năng.

Cùng với nghiên cứu kỹ nội dung đơn để có hướng xử lý phù hợp, đúng quy định, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết. Trường hợp cần thiết, phải đến tận nơi khảo sát và trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan do Thường trực hoặc các Ban HĐND chủ trì. Tùy vào số lượng đơn và vụ việc để tổ chức giám sát, nếu nhiều đơn và vụ việc phức tạp thì tổ chức giám sát thành cuộc giám sát riêng, trường hợp vụ việc không phức tạp có thể giám sát, khảo sát kết hợp với các cuộc giám sát, khảo sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong giải quyết. Trường hợp đơn gửi nhiều cơ quan nhưng đã gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết, Thường trực HĐND tỉnh không chuyển đơn nhưng phải theo dõi việc giải quyết, nếu xét thấy giải quyết không thỏa đáng thì giám sát.

Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu Giám sát thực địa kiến nghị của cử tri về ảnh hưởng môi trường của công trình Thủy điện Nậm Xe 2, huyện Phong Thổ - ảnh VĂN THẠCH
Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu Giám sát thực địa kiến nghị của cử tri về ảnh hưởng môi trường của công trình Thủy điện Nậm Xe 2, huyện Phong Thổ
Ảnh: Văn Thạch

Lấy kết quả giám sát làm tiêu chí đánh giá

Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, theo Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu, cần xây dựng và ban hành Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và giám sát khiếu nại, tố cáo của công dân, để đưa ra những giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Cùng với đó, phát huy vai trò của Thường trực, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh trong việc nâng cao chất lượng tổng hợp các kiến nghị, phản ánh của cử tri; chủ động theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, đơn vị. Xây dựng kho dữ liệu điện tử, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin cho đại biểu HĐND về kiến nghị của cử tri, nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Thường trực HĐND tỉnh, kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan chức năng làm cơ sở để giám sát, khảo sát.

Cũng theo Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu, một giải pháp hữu hiệu nữa là đưa nội dung trả lời, tiến độ giải quyết kiến nghị của cử tri, khiếu nại của công dân lên Trang Thông tin điện tử của HĐND và các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, vừa để thông tin đến cử tri, vừa góp phần đôn đốc, nhắc nhở, tạo “sức ép” cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị, khiếu nại của cử tri và công dân. Đồng thời, cần lấy kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân làm một trong những tiêu chí để đại biểu nghiên cứu, bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu.

LÊ HOÀNG