Bố trí nguồn lực hợp lý nhất cho cán bộ dôi dư
Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập xóm, khối, bản, các đại biểu Võ Thị Minh Sinh (huyện Quỳ Hợp) và Nguyễn Văn Hải (huyện Tương Dương) bày tỏ băn khoăn về mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách tại khối, xóm; người kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng giống như người chỉ đảm nhận một chức danh là chưa công bằng, thỏa đáng. Đại biểu Lê Thị Vinh (huyện Nghĩa Đàn) đề nghị làm rõ thêm mức phụ cấp của cán bộ dôi dư cấp xóm. Mức phụ cấp theo Dự thảo đưa ra chưa bảo đảm công bằng, nên quy định tỷ lệ thuận theo số năm công tác. Tương tự, đại biểu Hoàng Nghĩa Hùng (huyện Nam Đàn) đề nghị chính sách cần quy định cụ thể theo phân loại xã, xóm, người đảm nhận công tác ở xóm liên tục. Đại biểu Lê Xuân Đại (huyện Nghĩa Đàn) cho rằng: Cần tính toán cho đúng sự cống hiến và gánh vác công việc của đội ngũ này ở xóm.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng phát biểu ý kiến | Ảnh: Lệ Thanh |
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng và Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý cho biết: Quá trình nghiên cứu, soạn thảo, các cơ quan chuyên môn đã lấy ý kiến các ngành, các địa phương quy định các chính sách, nội dung cụ thể… Đây là chính sách nhân văn mang tính chất hỗ trợ, căn cứ vào nguồn ngân sách có thể cân đối và so sánh với các tỉnh trong khu vực đã ban hành chính sách này thì Nghệ An bảo đảm ngang hoặc cao hơn; đặc biệt là có thêm chính sách hỗ trợ cho các chức danh Trưởng ban công tác Mặt trận, Bí thư Chi đoàn Thanh niên, Chi hội trưởng các đoàn thể: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi.
Trước vấn đề các đại biểu đặt ra, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý chia sẻ: Tỉnh đã cố gắng xây dựng chính sách trên cơ sở cân đối nguồn lực đang rất khó khăn và tham khảo các tỉnh bạn để bố trí nguồn lực hợp lý nhất cho cán bộ dôi dư do sắp xếp, sáp nhập. Đây là chính sách hỗ trợ đối với tình huống “đột xuất” do thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập của Trung ương, không thể đủ nguồn lực để tính đến đầy đủ các vấn đề kiêm nhiệm nhiều chức danh; lâu năm, ít năm; theo phân loại xã, xóm… “Xây dựng chính sách phải tạo được sự đồng thuận và người thụ hưởng hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của chính sách; vì vậy, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp cần vào cuộc tuyên truyền rộng rãi để cán bộ và nhân dân đồng thuận”, ông Quý nhấn mạnh.
Bảo đảm nguồn lực để thực hiện
Sau khi phân tích thấu đáo những mặt được, chưa được trong việc hỗ trợ, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư do sắp xếp, sáp nhập. Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị quyết gồm cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021. Cụ thể, hỗ trợ một lần đối với cán bộ, công chức cấp xã, ngoài hưởng các chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108 ngày 20.11.2014, Nghị định số 113 ngày 31.8.2018 của Chính phủ và các chính sách khác theo quy định của pháp luật, mức hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi gồm: Cán bộ, công chức cấp xã đủ 55 tuổi trở lên đối với nam, đủ 50 tuổi trở lên đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên; cán bộ, công chức cấp xã đủ 50 tuổi trở lên đối với nam, đủ 45 tuổi trở lên đối với nữ, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên…
Đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ngoài chế độ, chính sách được hưởng theo quy định hiện hành, được hỗ trợ mỗi năm công tác bằng 1 tháng phụ cấp hiện hưởng (hỗ trợ tối đa không quá 15 tháng). Hỗ trợ một lần đối với Ủy viên Thường trực MTTQ, Ủy viên thường vụ các đoàn thể cấp xã; Trưởng ban Công tác mặt trận, Chi hội trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi ở xóm, khối, bản. Cụ thể: Ủy viên Thường trực UBMTTQ và Ủy viên Thường vụ các đoàn thể ở cấp xã 2 triệu đồng; Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm, khối, bản 1,4 triệu đồng và Chi hội trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi xóm, khối, bản 1,2 triệu đồng…
Cho rằng những ý kiến phản ánh của các đại biểu HĐND tỉnh đều thể hiện sự trăn trở, trách nhiệm, sâu sát thực tiễn để HĐND tỉnh có cái nhìn tổng thể, đưa ra quyết định sáng suốt nhất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh thêm: Ngoài các quy định của Trung ương, tỉnh Nghệ An đã mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ, nhằm bảo đảm tốt nhất chính sách cho cán bộ dôi dư do sáp nhập. “Chính sách ban hành phải bảo đảm có nguồn lực để thực hiện, tránh chính sách ban hành “đẹp” nhưng không thực hiện được. Do đó, mong các đại biểu HĐND tỉnh đồng thuận, cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh chia sẻ”, ông Nguyễn Xuân Sơn bày tỏ.