Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025: Khai phóng tiềm năng – Kiến tạo tương lai
Chiều 30/6 tại Hà Nội, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam họp báo công bố Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 (VPSF 2025).

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 là sáng kiến chính sách – đối thoại – hành động quy mô quốc gia do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì, tổ chức từ tháng 7 - 9/2025, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Với chủ đề “Khai phóng tiềm năng – Kiến tạo tương lai Việt”, tập trung xây dựng môi trường phát triển minh bạch, bền vững và khai mở tối đa tiềm năng khu vực tư nhân, Diễn đàn năm nay nhằm hưởng ứng và cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66-NQ/TW về cải cách pháp luật; và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Đây được coi là “bộ tứ trụ cột” định hình thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam 2045, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

VPSF 2025 gồm ba vòng đối thoại. Vòng 1 là phiên đối thoại cấp địa phương diễn ra tại 10 cụm vùng trên toàn quốc từ tháng 7 - 8/2025, xoay quanh 4 chủ đề: Tự chủ chuỗi giá trị; Thể chế kiến tạo; Toàn cầu hóa giá trị Việt; và Năng lực chiến lược.
Vòng 2 là phiên đối thoại chuyên đề cấp bộ, gồm 4 phiên chuyên đề vào ngày 15/9 tại Hà Nội với sự tham gia của các bộ, ngành, chuyên gia và doanh nghiệp.
Vòng 3 là phiên toàn thể đối thoại cấp cao có sự tham dự và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Tại đây, Tuyên bố chung VPSF 2025 sẽ được công bố, thể hiện cam kết đồng hành giữa khu vực kinh tế tư nhân và các cơ quan hoạch định chính sách.
Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức VPSF 2025 Phạm Thị Bích Huệ nhấn mạnh, VPSF 2025 thể hiện khát vọng đồng hành của đội ngũ doanh nhân trong công cuộc đổi mới thể chế, nâng cao năng lực nội sinh và sức bật chiến lược cho kinh tế tư nhân.

Một điểm mới đáng chú ý là sau Diễn đàn, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ xây dựng bộ công cụ độc lập nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tại các địa phương. Đây sẽ là kênh phản hồi khách quan từ doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh cải cách giữa các tỉnh, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Kết quả đánh giá sẽ được cập nhật định kỳ và là cơ sở để Hội gửi báo cáo, kiến nghị chính sách tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, Hội cũng sẽ triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành doanh nghiệp khu vực tư nhân nhằm nâng cao năng lực quản trị, tư duy chiến lược và khả năng thích ứng của doanh nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW.