Chia sẻ về xu hướng và phương pháp nghiên cứu mới
HaFPES 2023 được tổ chức trong không gian mở, nhằm tạo ra một môi trường học thuật chuyên sâu, tạo ra các không gian thảo luận theo từng chủ đề, chia sẻ về những trường phái, xu hướng và phương pháp nghiên cứu mới. Đồng thời, tham vấn các chính sách về cách tiếp cận và thích nghi mới trong giáo dục và sư phạm, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có những đổi mới mạnh mẽ của giáo dục đại học.
HaFPES 2023 đã nhận được tổng cộng 136 công trình nghiên cứu từ các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước. Có 95 báo cáo toàn văn được gửi về. Các báo cáo đều được viết bằng tiếng Anh. Ban tổ chức thành lập Tiểu ban chuyên môn với các nhà nghiên cứu hàng đầu về giáo dục trong nước cùng các chuyên gia quốc tế đã thẩm định rất nghiêm túc và chọn ra để đăng kỷ yếu được 71 bài, của 408 tác giả, từ 61 cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu.
HaFPES 2023 cũng ghi nhận sự tham gia khá đông đảo của của các nhà khoa học quốc tế. Có tới 19 nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ, Thái Lan, Anh, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc, Ấn Độ đã có báo cáo đăng kỷ yếu hoặc được mời báo cáo chính.
Trong hội thảo ngày hôm này, Ban Tổ chức mời và tuyển chọn 34 báo cáo đề cập đến những vấn đề rất căn bản, nhưng cũng rất cập nhật trong khoa học giáo dục và ứng dụng nó trong đào tạo giáo viên. Đặc biệt, 4 báo cáo mời ở hai phiên toàn thể đề cập đến những vấn đề rất căn bản như bản chất con người và vai trò của giáo dục, các xu thế mới trong đo lường kết quả giáo dục, đào tạo giáo viên trong ASEAN và khoa học thần kinh trong trị liệu các rối loạn học tập. Cụ thể:
Báo cáo đầu tiên là "The Human Being: Nature versus Nurture - Some key theories on education" của GS.TS Nguyễn Quý Thanh, GS.TS Lê Ngọc Hùng, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN.
Theo nhóm tác giả, khi nghiên cứu về giáo dục trong xã hội ngày nay, chúng ta cần đặt ra những câu hỏi cổ điển về bản chất con người và tác động của giáo dục. Các lý thuyết Khoa học Giáo dục đang cố gắng cung cấp những câu trả lời mới cho những vấn đề triết học và thực tiễn này.
Báo cáo thứ hai được trình bày trong phiên chung là “Addressing Assessment Challenges of the New National Curriculum: Building a Balanced System of Assessments” của TS. Phạm Ngọc Duy, Trường Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ.
Báo cáo này bàn đến những vấn đề liên quan trong kiểm tra đánh giá - yếu tố quan trọng nhất trong bất kỳ hệ thống giáo dục nào. Kiểm tra đánh giá là công cụ để đo lường năng lực phảm chất, sự tiến bộ của người học và phản ánh hiệu quả của các phương pháp dạy học; là một kênh phản hồi quan trọng với người giáo viên để điều chỉnh mục tiêu, phương pháp và cả công cụ đánh giá.
Báo cáo thứ ba là “Teacher education in ASEAN countries” của PGS.TS. Jiradawan Huntula, Viện Nghiên cứu và Phát triển Nghề nghiệp giảng dạy của ASEAN, Trường Đại học Khon Kaen, Thái Lan.
Theo tác giả, chất lượng của một quốc gia phụ thuộc vào chất lượng của công dân, và chất lượng công dân chủ yếu dựa vào chất lượng giáo dục họ nhận được. Trong ngữ cảnh này, chất lượng của giáo viên đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng giáo dục. Đào tạo giáo viên trở thành một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các quốc gia.
Các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có một tầm nhìn chung về giáo dục và đóng góp quan trọng vào sự phát triển và cạnh tranh của khu vực.
Hội thảo sẽ nghe kết quả của những nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường giáo dục tốt hơn và cung cấp cho giáo viên các công cụ và kiến thức cần thiết để thực hiện công việc của họ một cách chuyên nghiệp và hiệu quả qua báo cáo của PGS.TS. Jiradawan Huntula.
Báo cáo cuối cùng được trình bày trong phiên chung là “What can Neuroscience tell us about why Cognitive Strategies benefit Students with Learning disorders?" của GS Susan De La Paz, Trường Đại học Maryland, Hoa Kỳ.
Theo báo cáo này, lĩnh vực thần kinh học đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc hiểu rõ hoạt động não bộ và cơ chế của các rối loạn học tập như tự kỷ, rối loạn tăng động và tập trung (ADHD), rối loạn đọc và viết, và nhiều rối loạn khác. Sự tiến bộ trong việc sử dụng hình ảnh não bộ, như MRI chức năng, đã giúp các nhà nghiên cứu xác định được các sự khác biệt trong cấu trúc và hoạt động não bộ của những người mắc rối loạn học tập.
Hiểu được cơ sở của những kiến thức thần kinh học sẽ giúp người giáo viên phát triển các phương pháp học tập hiệu quả hơn và tạo ra môi trường học tập thích hợp để hỗ trợ các học sinh vượt qua khó khăn học tập của họ.
Tập trung vào công nghệ giáo dục mới nổi
Trong các phiên song song, các nhà khoa học sẽ tham dự và trao đổi học thuật theo các chủ đề như: Lãnh đạo trường học trong bối cảnh chuyển đổi số: Từ chính sách đến thực tiễn; Giáo dục sư phạm trong chuyển đổi số và giáo dục dựa trên năng lực; Xu hướng hiện đại trong đánh giá giáo dục: Đánh giá năng lực, kiểm định và xếp hạng; Nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam: Triển vọng và thách thức và công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0: Từ Nghiên cứu đến Ứng dụng trong giáo dục.
Phiên thảo luận xoay quanh các công nghệ giáo dục mới nổi và hội tụ (Emergence/Convergence) như ChatGPT, các ứng dụng AI, Metaverse và Digital Twin, và phát triển học liệu số tương tác trong giáo dục trong bối cảnh giáo dục giai đoạn 2025-2030.
Với các cách tiếp cận khác nhau, các báo cáo đã đề cập đến xu hướng ứng dụng và phát triển các giải pháp hướng đến trải nghiệm học tập cá nhân hóa, đánh giá thích ứng, mở rộng cơ hội tiếp cận kiến thức nhanh chóng và thuận lợi, quản lí và theo dõi tiến trình học tập của học sinh một cách tự động, mở rộng môi trường học tập thực ảo, tăng cường trải nghiệm đắm chìm trong các mô hình bản sao số của thực tế, kết nối với các nguồn học liệu số thông minh….
Những chia sẻ kinh nghiệm phát triển giải pháp thực tế ảo tăng cường mở rộng trong bảo tồn di sản ở Hàn Quốc và Việt Nam, các phân tích, nhận định đánh giá về chính sách phát triển AI trong đào tạo giáo viên của Hoa Kỳ, các khả năng khai thác và ứng dụng Metaverse, xu hướng phát triển trợ lí ảo trong mọi hoạt động dạy học… là những gợi ý sinh động cho thực tiễn giáo dục, phát triển các mô hình học tập thông minh trong thời gian tới.