Diễn biến và dự báo về cán cân thương mại trong năm nay
Cán cân thương mại của Việt Nam đã tỏ ra có dấu hiệu sẽ tiếp tục thâm hụt hơn nữa trong năm nay, kể cả trong bối cảnh giá dầu mỏ thế giới giảm so với đỉnh cao hồi giữa năm 2006. Nguyên nhân chính là sự tăng mạnh về nhập khẩu các hàng hóa tư bản phục vụ cho sản xuất trong nước, làm cho mức thâm hụt thương mại cả năm nay được dự tính sẽ vào khoảng 5,7 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức 4,5 tỷ USD của năm trước.
Trong 2 tháng đầu năm nay, trái ngược với sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh của hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là quần áo và giày dép, sự đóng góp của dầu thô, vốn chiếm đến 16% tổng giá trị xuất khẩu, đã giảm đáng kể cả về giá lẫn lượng. Mặt khác, nhập khẩu đã tăng tới 46%. Kết quả là so với cùng kỳ năm ngoái với thặng dư nhẹ, 2 tháng đầu năm nay đã chứng kiến mức thâm hụt lớn, lên tới gần 1,1 tỷ USD.
Điều làm bớt lo ngại là nhập khẩu tăng mạnh chủ yếu là ở các mặt hàng tư bản. Nhập khẩu máy móc và phụ tùng, chiếm 18,5% tổng giá trị nhập khẩu, đã tăng tới 80,5% tính theo năm. Có thể nói đây là kết quả của sự lạc quan của giới đầu tư. Các doanh nghiệp đang ra sức tăng cường năng lực sản xuất để đón đầu nhu cầu xuất khẩu mà sự gia nhập WTO kỳ vọng mang đến.
Điều quan trọng là sự tăng mạnh về nhập khẩu không phản ánh tình trạng tăng trưởng nóng của nhu cầu trong nước về hàng tiêu dùng. Lạm phát duy trì ở mức cao và thâm hụt thương mại tăng là 2 dấu hiệu của tình trạng này. Tuy vậy, nhìn vào cán cân nhập khẩu thời gian qua có thể thấy rằng xếp sau máy móc và phụ tùng, những hạng mục nhập khẩu chính khác cũng là những hàng hóa phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, chứ không phải là hàng tiêu dùng, như vải sợi (để làm hàng may mặc xuất khẩu), nhiên liệu, thép và hàng điện tử. Bởi vậy trong con mắt của nhiều nhà quan sát, tình trạng nhập siêu như vậy là kết quả tất nhiên ở một nền kinh tế đang phát triển phải vay mượn (sử dụng) vốn nước ngoài nhằm tăng cường năng lực công nghiệp.
Tuy vậy, điều này không có nghĩa là không có nguy hiểm. Hiện tại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang tăng nhanh, mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất lớn, và họ đang mang vốn đến cho Việt Nam để trang trải thâm hụt thương mại. Nhưng dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với khu vực, chỉ đáp ứng nhu cầu nhập khẩu trong 2,7 tháng. Đây là một rủi ro nếu nguồn vốn gián tiếp hiện tại đang tăng mạnh mẽ bị suy giảm. Trong những năm tới, sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được dự đoán là sẽ vẫn tiếp tục lớn như hiện nay. Mặt khác, thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh nhưng chỉ tập trung vào một số cổ phiếu hàng đầu, còn thị trường phi chính thức – với quy mô khá lớn – thì tính phi pháp cũng lớn, sẽ là những yếu tố dễ làm thương tổn lòng tin của các nhà đầu tư gián tiếp. Bởi vậy, không có một dự trữ ngoại hối đủ lớn thì, kể cả với triển vọng sáng sủa của dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI, việc tìm kiếm nguồn tài chính để trang trải cho nhu cầu nhập khẩu tăng lên này sẽ là một vấn đề đau đầu.
Rủi ro chính cho cán cân thương mại lại đến từ ngay tư cách thành viên của WTO trong những năm tới. Gia nhập WTO không có nghĩa là các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ ngay lập tức tăng được xuất khẩu vào những thị trường trước đây được bảo hộ. Sẽ phải cần một thời gian không ngắn để tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu, để giành giật hợp đồng xuất khẩu từ tay các đối thủ nước ngoài khác. Trong khi đó, nhập khẩu cạnh tranh với sản xuất nội địa sẽ không phải mất thời gian để tăng nhanh khi Việt Nam phải thực thi các cam kết mở cửa.
Xuất khẩu vào Mỹ, thị trường chủ chốt của Việt Nam, cũng sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Hàng dệt may của Việt Nam vẫn phải qua quy trình kiểm tra chống bán phá giá. Mặc dù Mỹ không thể cấm các hàng hóa của Việt Nam, nhưng nếu Bộ Thương mại Mỹ thấy có dấu hiệu bán phá giá thì thuế chống bán phá giá sẽ được áp đặt. Kể cả nếu không bị áp thuế chống bán phá giá thì bản thân quy trình kiểm tra chống bán phá giá cũng tạo nên sự chậm trễ, làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Bởi vậy, có thể nói trong ngắn hạn thì việc gia nhập WTO sẽ làm tăng thâm hụt cán cân thương mại. Nhưng trong dài hạn, khi năng lực xuất khẩu được củng cố thì thâm hụt thương mại sẽ được cải thiện.
Ts. Phan Minh Ngọc