Triển lãm Những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, khai mạc chiều 4.10 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, giới thiệu 10 trận đánh, chiến dịch có tính quyết chiến chiến lược, đánh bại kẻ thù ở các thời kỳ khác nhau trong 10 thế kỷ (từ thế kỷ X - XX).

10 trận đánh đặc sắc về nghệ thuật quân sự
Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của Việt Nam có rất nhiều trận đánh, chiến dịch, nhưng nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tương ứng với 10 thế kỷ này, Bảo tàng đã chọn giới thiệu 10 trận đánh, chiến dịch nổi tiếng, đặc sắc về nghệ thuật quân sự. Theo Ban tổ chức, các trận đánh, chiến dịch này không chỉ giới hạn ở Hà Nội mà là trận đánh tiêu biểu trên các địa bàn trên khắp cả nước. Trưng bày lấy mốc mở đầu là trận Bạch Đằng (năm 938), đánh bại quân Nam Hán, kết thúc cuộc kháng chiến chống Nam Hán lần thứ 2. Chiến thắng Bạch Đằng là một trong những mốc lớn của lịch sử Việt Nam, chấm dứt vĩnh viễn nền thống trị hơn 1.000 năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc. Tiếp nối chiến thắng oanh liệt này, dân tộc ta còn có nhiều trận đánh, chiến dịch vang dội trong lịch sử: trận Như Nguyệt (1077) là trận tập kích lớn giữa quân thủy và quân bộ, có ý nghĩa quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ 2; trận Đông Bộ Đầu (1258) kết thúc cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của nhân dân nhà Trần, khiến cho lần đầu tiên, đế quốc Mông Cổ bị thất bại trong cuộc chinh phạt gần 50 nước trên thế giới; trận Ngọc Hồi - Đống Đa (1789) kết thúc cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Thanh… Trong thời đại Hồ Chí Minh (thế kỷ XX), dấu mốc đánh bại các thế lực đế quốc hùng mạnh là Pháp và Mỹ được tái hiện gồm chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), trận Điện Biên Phủ trên không (1972) và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).
Nội dung 10 trận đánh và chiến dịch nổi tiếng được thể hiện qua 500 hình ảnh, tranh tài liệu khoa học, sơ đồ điện tử, câu trích và hiện vật tiêu biểu. Đáng chú ý, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đưa ra trưng bày và giới thiệu một số tư liệu, hiện vật gốc có giá trị lịch sử: bộ sưu tập vũ khí cổ của thế kỷ X (thời Ngô Quyền đánh quân Nam Hán), sưu tập vũ khí thế kỷ XIII (thời nhà Trần chống lại quân Nguyên - Mông), sưu tập vũ khí và trang bị đồ dùng sinh hoạt cuối thế kỷ XVIII (thời Quang Trung - Nguyễn Huệ); bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ, chiến sỹ tại mặt trận Điện Biên Phủ...
Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tá Nguyễn Xuân Năng: "Trong quá trình chuẩn bị, triển lãm gặp nhiều khó khăn, nhất là những trận đánh đã cách đây hàng nghìn năm, hầu như không có hiện vật để trưng bày. Khi kịch bản triển lãm được phê duyệt tháng 8 vừa qua, Bảo tàng đã đi khảo sát các địa danh từng diễn ra trận đánh để tìm hiểu bối cảnh diễn ra trận đánh, thuê, mượn hiện vật của bảo tàng các địa phương. Để người xem dễ hình dung, Bảo tàng đã cho vẽ và kết hợp trưng bày một số tranh lịch sử để minh họa cho trận đánh..."
Trận đánh nâng tầm Hà Nội
Điểm nhấn của triển lãm Những trận đánh, chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là trận Điện Biên Phủ trên không (1972). Đây là chiến dịch phòng không đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược, là thắng lợi vẻ vang nhất của chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Điện Biên Phủ trên không không chỉ đánh dấu sự phát triển vượt bậc về mọi mặt của bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển nghệ thuật chiến dịch phòng không.
Trận đánh được tái hiện qua một số hình ảnh: Mỹ sử dụng máy bay B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng; tội ác của Mỹ đối với Hà Nội trong 12 ngày đêm (ngày 18-29.12.1972) với phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai bị bom Mỹ tàn phá. Chủ động đối phó với thủ đoạn của địch, quân ta đã nghiên cứu cách đánh máy bay B52. Các nhóm hiện vật: giản đồ chiến đấu của Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Giằng; đèn hiện sóng ra đa TT10 của Phân đội 16 Đoàn Ba Bể đã sử dụng phát hiện tốp máy bay B52 đầu tiên vào Hà Nội đêm ngày 18.12.1972; súng 12,7mm của dân quân tự vệ Hà Nội đã lập thành tích tham gia bắn rơi máy bay Mỹ, đặc biệt, mảnh xác máy bay B52 bị bắn rơi tại Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, ngày 26.12.1972; một số đồ dùng, trang bị của phi công Mỹ mà ta thu được... là những bằng chứng về thắng lợi oanh liệt của quân dân ta trên bầu trời Hà Nội năm 1972.

Phi công bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trong trận Điện Biên Phủ trên không, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ: Bắn rơi B52 dưới bầu trời Hà Nội cho thấy tư tưởng quân sự, nghệ thuật quân sự thời đại Hồ Chí Minh. Trước đó rất lâu, khi đến thăm lực lượng Không quân, Bác Hồ nói: "Mỹ có B52, B57 hay B gì đi nữa thì chúng ta cũng đánh, và đã đánh là phải thắng". Lần sau đến, Bác dặn: "Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội". Với tư tưởng chỉ đạo như vậy, chúng ta đã chuẩn bị về con người, ý chí, lực lượng, vũ khí để đối đầu. Trận đánh có tiếng vang không chỉ ở trong nước mà trên cả thế giới, đã nâng tầm Hà Nội...
Các hình ảnh, tài liệu, hiện vật gắn với mỗi trận đánh, chiến dịch đã phản ánh nghệ thuật đánh giặc tài tình, sáng tạo của ông cha ta, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, đồng thời giới thiệu với khách tham quan hình ảnh một nước Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng gan góc, kiên cường đã đánh bại các thế lực ngoại bang hùng mạnh.