Điện Biên phát triển thủy điện có chọn lọc

ĐÀO CẢNH 23/12/2017 08:19

Tính đến nay, Điện Biên có 41 dự án thủy điện nhỏ và vừa, trong đó 7 nhà máy thủy điện đang vận hành, đóng góp lớn vào ngân sách hàng năm của tỉnh. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh luôn chú trọng tạo cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp thủy điện một cách có chọn lọc, bền vững trên nền tảng lợi thế địa phương.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh

 “Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn, tiến hành bổ sung và loại khỏi quy hoạch những dự án không khả thi, hiệu quả thấp về KT - XH, hoặc có ảnh hưởng lớn tới môi trường. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện cam kết về tiến độ triển khai dự án”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh MÙA A SƠN

Điện Biên có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ và vừa. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Biên, nguồn nước mặt ở Điện Biên tập trung theo 3 hệ thống sông chính là sông Đà, sông Mã và sông MeKong. Đây là tiềm năng, lợi thế lớn để xây dựng các công trình thủy điện kết hợp với khai thác thủy lợi, cung cấp nguồn điện lưới quốc gia và tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ, tuy nhiên, tiềm năng và lợi thế phát triển công nghiệp thủy điện của tỉnh còn rất lớn và chưa có đánh giá cụ thể.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 41 dự án thủy điện nhỏ và vừa, với tổng công suất lắp máy là 457,2MW. Trong đó, 7 nhà máy thủy điện đang vận hành, khai thác có công suất 110,1MW, với tổng sản lượng điện hàng năm đạt gần 276.000kWh; 15 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hiện tại các chủ đầu tư đã, đang hoàn thiện thủ tục và tiến hành thi công; 17 nhà máy thủy điện được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, lập dự án đầu tư và khuyến khích đầu tư mới 2 dự án thủy điện trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Ngoài ra, tỉnh còn cho bổ sung 4 dự án, là: Dự án Thủy điện Mường Luân, Chiềng Sơ 1, Chiềng Sơ 2 (huyện Điện Biên Đông) và Dự án Thủy điện Nậm Núa 2 (huyện Điện Biên), dự kiến có công suất là 43MW.

Nhà máy thủy điện Trung Thu thuộc địa phận xã Pa Ham, huyện Mường Chà
Nhà máy thủy điện Trung Thu thuộc địa phận xã Pa Ham, huyện Mường Chà

Ông Lê Văn Biên cho hay, các công trình thủy điện đã vận hành không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng tại chỗ, đóng góp nguồn thu ngân sách tỉnh, mà còn góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, hỗ trợ đào tạo được đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có thu nhập ổn định. Ngoài ra, việc khai thác diện tích mặt nước của các lòng hồ thủy điện là tiềm năng để các địa phương phát triển du lịch. Điển hình như thủy điện Nậm Núa, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên sau khi tích nước lòng hồ dài hơn 7km, tạo ra diện tích mặt nước rộng, hình thành điểm du lịch sinh thái lòng hồ khu vực động Pa Thơm. Đó không chỉ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư mà còn góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ dự án

Dù công nghiệp thủy điện ở Điện Biên những năm gần đây có nhiều khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ. Nhiều dự án phải tiến hành điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư nhiều lần mà vẫn chưa hoàn thiện. Thời gian trung bình triển khai mỗi dự án kéo dài trên 7 năm, có dự án kéo dài thời gian chuẩn bị lên đến 9 năm. Lý giải nguyên nhân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn cho hay, đa số doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào thủy điện của tỉnh nằm trong giai đoạn 2010 - 2015, là giai đoạn khó khăn về huy động vốn nên các dự án thủy điện bị chững lại, đỉnh điểm là năm 2014 và 2015. Mặt khác, yếu tố địa lý, giao thông khó khăn cũng ảnh hưởng đến công tác vận chuyển máy móc, thiết bị thi công của dự án. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa còn nhiều khúc mắc giữa người dân và chủ đầu tư trong việc xác định chủ đất, giá đền bù cũng khiến cho tiến độ dự án bị chậm lại.

Từ năm 2016 đến nay, tiến độ các dự án thủy điện trên địa bàn đã được đẩy nhanh. Một số dự án đi vào hoạt động hiệu quả như: Thủy điện Nậm Mức, thủy điện Pa Thơm, thủy điện Trung Thu... tạo động lực để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công. Những năm gần đây, tỉnh Điện Biên cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư trên địa bàn. Đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực thủy điện, tỉnh chỉ đạo các ngành, chính quyền huyện, xã tạo điều kiện tối đa về thủ tục đăng ký đầu tư. Đồng thời, trong công tác trồng bù rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng, chủ đầu tư chỉ phải nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định, UBND tỉnh chỉ đạo và giao cho đơn vị khác thực hiện trồng rừng. 

Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn khẳng định, công nghiệp thủy điện là thế mạnh mà tỉnh đã và đang chú trọng. Do vậy, tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt. Đó không chỉ giúp công nghiệp thủy điện của Điện Biên phát triển, tạo động lực cho sự phát triển KT - XH của tỉnh mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho chính nhà đầu tư.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Điện Biên phát triển thủy điện có chọn lọc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO