Nhiều tấm gương về giảm nghèo
Với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Điện Biên đã ưu tiên dành nguồn vốn và sự chỉ đạo từ các ngành, các cấp, nhằm tổ chức đào tạo nghề và tư vấn việc làm phù hợp, giúp người lao động có thể tự tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế gia đình ngay tại địa phương.
Những năm gần đây, các lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại tỉnh Điện Biên đã mang lại những hiệu quả thiết thực; nhiều hộ gia đình đã thành công trong việc phát triển kinh tế nhờ áp dụng những kiến thức học được.
Chị Lò Thị Đoán, bản Co Hón, xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng cho biết, từ khi tham gia lớp học do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện tổ chức, chị đã biết phương pháp trồng rau an toàn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Áp dụng kỹ thuật trồng rau an toàn, chị Đoán đã biến mảnh vườn 700m2 thành nguồn thu nhập đáng kể của gia đình. Nhờ chăm sóc cây rau đúng cách, lựa chọn giống tốt và trồng đúng vụ, ngoài bảo đảm bữa ăn hàng ngày, mỗi tháng, gia đình chị còn thu về trên 3 triệu đồng. Cũng theo chị Đoán, từ khi có lớp tập huấn, đến nay, hầu hết các hộ dân trong bản đều có vườn rau sạch, một số hộ đã chuyển đổi thành mô hình sản xuất hàng hóa, nhờ đó có thêm thu nhập.
Trong những năm qua, các lớp dạy nghề về chăn nuôi cũng được đẩy mạnh. Tại xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, người dân đã biết áp dụng kiến thức, kỹ năng nghề vào phát triển mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế. Chị Lò Thị Oanh, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở cho biết, từ khi được trang bị những kiến thức về chăn nuôi lợn, chị đã tự tin áp dụng vào thực tế để phát triển đàn lợn một cách an toàn, khỏe mạnh.
Theo chị Oanh, việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn và thực hiện tiêm phòng đầy đủ đã giúp giảm chi phí và phòng tránh dịch bệnh. Trong lứa lợn vừa xuất chuồng, gia đình chị đã thu về hơn 20 triệu đồng. Từ thành công này, đã thôi thúc gia đình chị mở rộng quy mô chăn nuôi.
Chính quyền luôn sát cánh cùng Nhân dân
Tại huyện Mường Ảng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện theo nhu cầu của người dân nên chủ yếu là các lớp về kỹ thuật chăn nuôi, phòng và trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật sản xuất rau an toàn; nghề trồng, chăm sóc, chế biến cà phê...
Ông Đào Duy Thạch, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Ảng cho hay, trong 9 tháng năm 2024, toàn huyện đã tạo việc làm mới cho 554 người lao động; tổ chức 18 lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc, chế biến cà phê và phòng, trị bệnh cho vật nuôi với 324 người tham gia, hầu hết là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Phụ trách công tác đào tạo nghề tại một huyện nghèo, ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Nậm Pồ cho biết, đơn vị đã tập trung đào tạo nghề theo địa chỉ, đáp ứng nhu cầu người học và thị trường. Các lớp học được sắp xếp vào buổi tối để học viên có thể vừa học vừa lao động sản xuất. Từ đầu năm 2024, trung tâm đã đào tạo cho gần 700 học viên, trong đó 80% đã tìm được việc làm hoặc tự tạo công ăn việc làm.
Theo ông Vũ Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, công tác đào tạo nghề luôn được chú trọng, với hàng nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề ngắn hạn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Điện Biên đã đào tạo mới cho 4.427 người, cùng với nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ và Ngân hàng Chính sách xã hội, đã tạo thêm việc làm cho 1.501 người đồng bào dân tộc thiểu số.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Điện Biên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn về tầm quan trọng của học nghề, đồng thời khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu thị trường.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên, trong 9 tháng đã qua, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề 9.797 người, trong đó, có 6.462 người được hỗ trợ học nghề ngắn hạn từ các chương trình, đề án.
Cùng với việc mở các lớp dạy nghề, toàn tỉnh Điện Biên cũng đã tạo việc làm mới cho 9.001 lao động. Trong đó, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm là 1.903 lao động; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khoảng 3.717 người; đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 198 lao động.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay, nguồn quỹ quốc gia về việc làm và Ngân hàng Chính sách xã hội là yếu tố rất quan trọng để tạo việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi năm, hàng chục tỷ đồng đã được giải ngân để hỗ trợ đào tạo nghề và mở rộng cơ hội việc làm cho người dân.