Điện ảnh Việt Nam hội nhập thế giới

- Thứ Sáu, 28/11/2014, 08:50 - Chia sẻ
Với khẩu hiệu Điện ảnh hội nhập và phát triển bền vững, LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ III đã cho thấy nỗ lực của BTC để kết nối những người làm điện ảnh trong nước và thế giới, đưa điện ảnh thế giới đến Việt Nam.

Hơn 400 phim từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng gần 4 lần so với liên hoan đầu tiên, đã cho thấy LHP Quốc tế Hà Nội (HANIFF) ngày càng được giới điện ảnh khu vực và quốc tế quan tâm. Trong đó có nhiều phim sản xuất năm 2014, có đoàn làm phim chọn Hà Nội là nơi trình chiếu ra mắt thế giới tác phẩm của mình. Jonathan Wong, diễn viên, nhà sản xuất phim Hong Kong, Trung Quốc, đại diện cho đoàn làm phim Fighting For - bộ phim âm nhạc nói về niềm tin trong cuộc sống - cho biết: “Chúng tôi đăng ký tham dự và chọn công chiếu thế giới Fighting For tại LHP Quốc tế Hà Nội bởi chúng tôi thấy Ban tổ chức LHP đã cố gắng quảng bá các tác phẩm điện ảnh quốc tế và đây là nơi các đoàn làm phim giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm”. Ông Dennis Evangelista - nhà sản xuất phim độc lập của Philippines, gửi 3 phim tham dự LHP lần này, gồm: The coffin maker (phim dài dự thi), Lauriana (Tiêu điểm điện ảnh Philippines) và Hustisya (đoạt giải NETPAC). “Tôi biết tới danh tiếng của HANIFF sau khi bộ phim của Philippines giành giải cao nhất năm 2012 và tôi quyết định gửi phim tham dự LHP Quốc tế Hà Nội lần III. Tôi rất vui khi tác phẩm của mình được tham gia tranh giải, được giới thiệu phim trong chùm phim Philippines, chùm phim đoạt giải NETPAC. 5 ngày tham dự HANIFF 2014, tôi thấy đây là một LHP chất lượng và chuyên nghiệp, kết nối được các nhà làm phim trong khu vực và thế giới”.


Đập cánh giữa không trung (Việt Nam) giành giải thưởng của Ban giám khảo

Thu hút nhiều phim quốc tế tham dự, LHP Quốc tế Hà Nội đã tạo điều kiện để người hâm mộ điện ảnh Việt Nam được thưởng thức các tác phẩm thuộc nhiều thể loại, phản ánh nội dung đa dạng, với các góc nhìn sáng tạo, cách thể hiện mới lạ, như: Tôi, bản thân mình và mẹ (Pháp) của đạo diễn Guillaume Gallienne, giải Cesar 2014 Phim hay nhất, Nam diễn viên xuất sắc nhất, Chuyển thể kịch bản xuất sắc nhất, Dựng phim xuất sắc nhất; Ngôi nhà của cha (Iran) của đạo diễn Kianoosh Ayyari, trình chiếu tại các LHP: Venice (2012), LHP Iran tại Anh (2014), Bengalure (2014), Chennai (2014), Edinburgh (2014)... Bên cạnh đó, qua các hội thảo, tọa đàm, triển lãm... BTC cũng phần nào tìm hướng phát triển điện ảnh nước nhà: mở rộng hội nhập và phát triển bền vững. Hội thảo Hợp tác sản xuất phim giữa Việt Nam và các nước hướng tới những cơ hội hợp tác đầy tiềm năng cho ngành sản xuất phim trong nước, là nơi các nhà làm phim trong nước và thế giới đóng góp ý kiến, trao đổi kinh nghiệm để tăng cường hợp tác trong tương lai. Bên cạnh đó, tọa đàm Sản xuất và phổ biến phim độc lập - kinh nghiệm từ điện ảnh Phillippines cũng được chú ý và mang lại nhiều kinh nghiệm thiết thực cho những người làm nghề tại Việt Nam. Giám đốc HANIFF - Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan chia sẻ: “năm 2013, khi được mời làm Ban giám khảo Liên hoan phim độc lập Cinemalaya của Philippines, tôi rất bất ngờ vì 15 bộ phim tham dự LHP có thể hòa vào dòng phim chiếu rạp (mainstream). Thực tế nhiều phim đã được đưa ra chiếu tại các rạp chiếu phim lớn và thu hút khán giả, có doanh thu lớn, bên cạnh đó là thành công tại các LHP quốc tế. Đặc biệt, các bộ phim này được sản xuất với kinh phí hạn hẹp, khoảng 50.000 - 100.000 USD, cho thấy sức sáng tạo của đồng nghiệp nước bạn”. Do vậy, HANIFF 2014 đã mời đại diện Hội đồng Phát triển Điện ảnh Philippines, BTC LHP Cinemalaya các nhà làm phim độc lập tham gia chia sẻ kinh nghiệm làm phim, để các nhà làm phim Việt Nam có thể sản xuất một bộ phim hay với kinh phí không lớn trong điều kiện của điện ảnh nước nhà.

Để mở ra nhiều cơ hội cho các nhà làm phim, đặc biệt là nhà làm phim trẻ đang loay hoay tìm kinh phí sản xuất phim, lần đầu tiên Chợ dự án phim được tổ chức trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ III. Các nhà làm phim trẻ được các nhà sản xuất, chuyên gia điện ảnh thành danh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để có thêm nhiều cách tiếp cận những nguồn kinh phí từ bên ngoài. Đây là cơ hội tốt để họ chuẩn bị kinh nghiệm tham dự Chợ dự án của các LHP và có thể tìm được nhà sản xuất cho phim của mình...

 Đạo diễn Síu Phạm, phim A shade of paradise - giải đặc biệt của Chợ dự án phim: Mặc dù Chợ dự án phim lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, nhưng tôi thấy Chợ đã được tổ chức tốt, chất lượng cao. Điều này thể hiện qua con số gần 100 dự án phim gửi tham dự, từ đó chọn ra 5 dự án phim thuyết trình trước ban tuyển chọn. Ban tuyển chọn gồm những người uy tín, có tiếng như đại diện LHP Quốc tế Berlin khu vực Đông Nam Á John Badalu; Giám đốc tiếp thị Unifrance film Jean Christophe Baubiat - người với hơn 60 năm kinh nghiệm quảng bá điện ảnh Pháp trên toàn thế giới... Dự án phim A shade of paradise (Cái bóng của thiên đường) của tôi được nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp (V-Block Media) gửi tham dự Chợ dự án phim. Sau khi xem phim Homostratus (Căn phòng của mẹ) của tôi chiếu ra mắt tại Pháp, Điệp thích quá và hỏi tôi có dự án mới nào không để gửi tham dự sự kiện này. Tuy không giành được 10.000 USD của Chợ nhưng về lâu dài tôi hy vọng từ sự ghi nhận tại LHP chúng tôi sẽ kêu gọi được tài trợ để sản xuất phim.

Tôi cũng ấn tượng với các buổi chiếu phim, quy củ và chuyên nghiệp. Đặc biệt là buổi chiếu phim Homostratus tại rạp Kim Đồng, khá đông khán giả, khâu giới thiệu phim ngắn gọn, trang trọng. Chỉ tiếc là không có phần giao lưu sau khi chiếu phim. Tại các liên hoan phim quốc tế, bao giờ cũng có một buổi chiếu chính dành thời gian để đạo diễn và khán giả chia sẻ về bộ phim. Điều này sẽ đặc biệt ý nghĩa với những phim khó xem, nhiều ẩn dụ như Homostratus.

Lê Thủy