Theo dữ liệu về bài thi IELTS toàn cầu năm 2023 - 2024 được tổng hợp vào cuối tháng 9.2024, công bố trên trang chủ IELTS, điểm trung bình IELTS của người Việt là 6.2/9.0 với bài thi Academic (học thuật), xếp thứ 29/39. Trong khi năm 2022, nước ta đứng thứ 23 trong tổng số 40 nước tham gia xếp hạng.
Ở bài thi này, 21% thí sinh Việt đạt mức điểm 6.0. Đây cũng là mức điểm phổ biến nhất ở bài thi học thuật. Mốc điểm 5.5 và 6.5 cùng chiếm 18%. Bên cạnh đó, chỉ 5% người đạt IELTS 8.0 trở lên.
Ở từng kỹ năng Nghe, Đọc, Viết, Nói, điểm của thí sinh Việt lần lượt là 6.3, 6.4, 6.0, 5.7. Trong đó, điểm Nghe và Nói thấp hơn mức trung bình (6.6 và 6.3). Hai kỹ năng còn lại bằng trung bình chung.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có điểm trung bình IELTS xếp thứ 4, cùng với Campuchia và Thái Lan. Trước 3 quốc gia này là Malaysia (7.5/9.0), Philippines (7.0/9.0), Indonesia cùng Myanmar (đều 6.5/9.0).
Đối với bài thi General Training (tổng quát), điểm trung bình của người Việt là 5.7/9.0, xếp hạng 34/39. Ở bài thi này, mức điểm phổ biến của người Việt là 5.0 với 15% thí sinh đạt điểm này. Xếp ngay sau đó là 5.5 với 14% thí sinh và 4.5 với 13% thí sinh. Cũng như bài thi học thuật, chỉ 5% người đạt điểm 8.0 trở lên ở bài thi tổng quát. Số điểm từng kỹ năng Nghe, Đọc, Viết, Nói của bài thi học thuật lần lượt là 5.7, 5.6, 5.8, 5.4.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, TS Hoàng Anh Đức, nghiên cứu viên Đại học RMIT cho rằng dữ liệu trên thực tế không có nhiều ý nghĩa cho việc đánh giá năng lực ngoại ngữ ở một quốc gia từ năm này sang năm khác hay giữa các quốc gia với nhau.
“Việc lên xuống hạng này không mang ý nghĩa cho việc thống kê hay ra quyết định”, TS Hoàng Anh Đức nói.
Theo chuyên gia này, dữ liệu về bài thi IELTS toàn cầu năm 2023 - 2024 được công bố trên trang chủ IELTS chỉ thống kê điểm trung bình, không có các dữ liệu khác như tổng số thí sinh dự thi, độ tuổi của thí sinh khi tham gia thi, mục đích sử dụng bài thi.
“Đơn cử, xét theo độ tuổi, nếu như số thí sinh còn nhỏ, ở giai đoạn 14 - 15 tuổi thi nhiều quá thì điểm trung bình thấp là điều dễ hiểu. Hay nếu xét về mục đích, nếu thí sinh chọn đi du học và nước đó chỉ yêu cầu IELTS 5.5, 6.0 thì các em chỉ cần đáp ứng mức điểm này, không cần thi tiếp. Rồi thi để phục vụ quy đổi điểm xét tuyển đại học trong nước, nhiều trường cũng chỉ cần IELTS 5.5 - 6.0”, TS Hoàng Anh Đức phân tích.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, một số trường đại học tăng chỉ tiêu, hạ chuẩn IELTS, hoặc cho sử dụng các bài thi khác để quy đổi tương đương, như bài thi Duolingo English Test (DET). Những bài thi này cũng được nhiều nơi sử dụng để quy đổi, thay thế cho bài thi IELTS với mục đích đi học ở trình độ đơn giản hoặc đi định cư. Điều này dẫn đến nhu cầu thi IELTS của thí sinh ít hơn.
“Do đó, tôi cho rằng những số liệu này không có nhiều ý nghĩa cho việc đánh giá năng lực ngoại ngữ ở một quốc gia, việc lên xuống hạng này cũng không có nhiều ý nghĩa”, TS Hoàng Anh Đức nhìn nhận.
Tuy nhiên, ở mặt bằng chung, chuyên gia này cho rằng để nâng cao năng lực tiếng Anh của người Việt, trước hết tiếng Anh nên là môn học bắt buộc, không nên đưa thành môn học lựa chọn.
Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, như nội dung được đề cập trong Kết luận 91-KL/TW.
IELTS là bài thi tiếng Anh chuẩn hóa phổ biến cho những người không nói tiếng Anh bản xứ. Bài thi này đánh giá 4 kỹ năng Nghe, Đọc, Viết, Nói của thí sinh trên thang 9 điểm. Hàng năm, có trên 2 triệu thí sinh thi IELTS với mục đích du học, định cư hay xin việc làm.