Điềm tĩnh Phú Quý -
Điềm tĩnh Việt Nam
Điềm tĩnh, sáng suốt - chủ trương, đường lối nhất quán của Trung ương, của Quốc hội hơn bao giờ hết quán xuyến trong từng lời nói, dặn dò, cử chỉ của Tổng bí thư ở huyện đảo Phú Quý; quán xuyến trong cả hai nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền ở nơi đầu sóng ngọn gió. Từ điềm tĩnh Phú Quý, hiểu thêm một điềm tĩnh Việt Nam.
Trong chuyến công tác tại Bình Thuận vừa qua, Tổng bí thư Đảng ta đã có chuyến thăm, làm việc với quân và dân huyện đảo Phú Quý – một trong những huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Tại đây, Tổng bí thư đã tìm hiểu cuộc sống của bà con và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn để thấy thêm tinh thần và ý chí quyết tâm vừa bám biển lao động sản xuất, vừa bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý về hướng Đông – Đông Nam và cách quần đảo Trường Sa 291 hải lý về hướng Tây Bắc, Phú Quý có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo, gắn với nhiệm vụ an ninh – quốc phòng, đồng thời là hậu phương lớn, vững chắc cho quần đảo Trường Sa. Thời tiết thuận. Nắng. Sức gió vừa phải. Sau khoảng 40 phút bay, đúng 7h40 phút, trực thăng chở Tổng bí thư và Đoàn đáp xuống Ngũ Phụng – một trong ba xã của huyện đảo.
![]() Nguồn: depplus.vn |
Với diện tích tự nhiên chưa đầy 18km2 và tổng dân số 27.500 người sinh sống tại 3 xã với 10 thôn, đời sống của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản. Báo cáo với Tổng bí thư, Bí thư huyện ủy Huỳnh Văn Hưng cho biết, những năm qua, Đảng bộ huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố vững chắc quốc phòng-an ninh, trong đó kinh tế biển được xác định là ngành mũi nhọn của huyện và được tập trung đầu tư, phát triển tương đối toàn diện cả về năng lực khai thác, chế biến, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhờ vậy, sản lượng khai thác, đánh bắt, nuôi trồng hải sản của huyện đảo đều năm sau cao hơn năm trước. 6 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình ở Biển Đông, sản lượng khai thác hải sản của bà con đã được hơn 14 nghìn tấn, đạt gần 60% kế hoạch, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2013. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân trên đảo đang từng bước được cải thiện và nâng lên đáng kể so với trước. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn ở mức rất thấp, chiếm 1,26%. Các điều kiện về ăn ở, học hành, chữa bệnh... của bà con được bảo đảm. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên huyện đảo được giữ gìn rất tốt. Và điều mà có lẽ tất cả các gia đình trong đất liền còn đang mơ ước là đi ngủ không cần khóa cửa thì ở huyện đảo là hiện thực... Đương nhiên, so với đất liền thì cuộc sống của bà con huyện đảo còn không ít khó khăn về nước ngọt, lương thực, vận tải, quan hệ với đất liền, thiên tai, bão gió, nước biển dân, xâm thực bờ biển... Đấy là chưa kể đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển làm ảnh hưởng đến ngư trường truyền thống của bà con ngư dân nước ta, trong đó có ngư dân huyện đảo Phú Quý.
Lão ngư Huỳnh Triển, năm nay đã gần 70 tuổi, nước da vẫn rắn rỏi đượm màu nắng gió của biển cả nói với Tổng bí thư: từ trước năm 1975, chúng tôi đã dong thuyền ra khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Gần đây, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, cũng có một số khó khăn cho ngư dân chúng tôi khi ra khơi. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển, bảo vệ ngư trường truyền thống mà ông cha đã để lại. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là tàu thuyền của ta còn nhỏ quá, không đi biển dài ngày được. Chúng tôi mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về lãi suất để bà con có thể đóng tàu to thuyền lớn, tàu vỏ sắt, tàu có công suất lớn, để ngư dân có thể bám biển dài ngày, khai thác nguồn lợi hải sản dồi dào ở khu vực ngư trường truyền thống, vừa làm giàu cho gia đình, quê hương, đồng thời cũng góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Chia sẻ khó khăn và ghi nhận ý chí quyết tâm bám biển của bà con, Tổng bí thư khẳng định đây cũng là hướng đi đúng, rõ và chủ lực của huyện đảo. Đó là phát triển kinh tế biển, đánh bắt hải sản và chủ yếu là xa bờ, gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Phải đánh bắt xa bờ vì gần bờ đánh bắt mãi thì cũng phải cạn kiệt, cho nên đánh bắt xa bờ vẫn phải là chủ trương chiến lược. Muốn đánh bắt xa bờ được tốt thì phải có phương tiện tốt, tổ chức công việc tốt, có hợp tác, liên doanh, có nghiệp đoàn, có chế biến, có dịch vụ đi kèm – Tổng bí thư nhấn mạnh. Với vị trí là huyện đảo tiền tiêu thì quân và dân Phú Quý còn có nhiệm vụ chiến lược nữa là luôn nêu cao tinh thần vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, gắn xây dựng và phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền. Và trước sự xâm lấn từ bên ngoài, vi phạm chủ quyền của nước ta cũng đang đặt ra cho huyện đảo những yêu cầu mới. Tàu phải tốt hơn, bám biển được dài ngày hơn, an toàn hơn, hợp tác và liên kết với nhau tốt hơn để chống lại những hiểm nguy rình rập trên biển. Hiện nay, Phú Quý có 184 chiếc tương đương với hơn 66 nghìn cv và hơn 2 nghìn lao động hoạt động tại vùng biển Trường Sa (từ khu vực DK1 đến Trường Sa), thường xuyên khai thác hải sản gắn với khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Riêng Tam Thanh, tình hình phát triển tổ thuyền khai thác hải sản khá tốt với 44 tổ và 256 thuyền. Xã cũng đã có nghiệp đoàn nghề cá với 24 thuyền và 175 lao động. Sản lượng khai thác hải sản bình quân hàng năm của Tam Thanh hiện vào khoảng hơn 8.700 tấn, vượt kế hoạch đề ra.
Đánh bắt xa bờ phải kết hợp với độc lập chủ quyền của Tổ quốc, bảo vệ ngư trường. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào đánh bắt xa bờ thì lại chưa giải quyết được vấn đề lao động tại chỗ. Cho nên phải nghĩ đến nuôi trồng hải sản. Rất mừng là Phú Quý, cụ thể là ở xã Tam Thanh, đang phát triển khá tốt mô hình nuôi cá mú lồng bè, mang lại giá trị kinh tế khá lớn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của huyện đảo và tỉnh Bình Thuận. Những kết quả rất đáng ghi nhận và tự hào của nhân dân huyện đảo trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Nhưng mong muốn của Người đứng đầu Đảng ta là cùng với trọng điểm đánh bắt xa bờ, Phú Quý cần khai thác mạnh hơn lợi thế, tiềm năng, thế mạnh tại chỗ của huyện đảo. Diện tích tự nhiên tuy không lớn, gần 18 km2, nhưng khá màu mỡ. Vậy thì có nên tính thêm về phương thức sản xuất để có thể kết hợp và bảo đảm tự lực cánh sinh về lương thực, về nước ngọt, tiến tới không phải phụ thuộc quá nhiều vào đất liền như hiện nay. Nếu hiện thực được yêu cầu này thì sẽ góp phần cải thiện lớn đời sống của nhân dân huyện đảo, nhất là mùa bão gió, phương tiện đi lại với đất liền khó khăn. Tự lực về điện của huyện đảo hiện nay là một ví dụ rất sinh động. Nhưng đồng thời với phát triển sản xuất, tự chủ về kinh tế và các điều kiện thiết yếu, phải nghĩ đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội trong nội địa đồng thời với giữ gìn độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đây là hai nhiệm vụ chiến lược của nước ta. Bởi nếu như môi trường không ổn định, không giữ được hòa bình thì không có điều kiện phát triển sản xuất, kinh tế.
Một ngày - thời gian không dài của Tổng bí thư với quân và dân huyện đảo. Dẫu vậy, ý Đảng đã gặp lòng dân. Tổng bí thư thăm huyện đảo, mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, ngư dân, chuyển tải thông điệp chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng ta đối với xử lý những diễn biến phức tạp trên Biển Đông. Không hẹn mà gặp, nhân dân, ngư dân đồng lòng với Đảng, khẳng định sẽ đứng bên Đảng để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những người ngư dân sạm đen vì gió biển, nói năng mộc mạc, chân tình, nhưng tấm lòng với Đảng, với Tổ quốc thật sâu sắc. Đáp lại, Người đứng đầu Đảng ta cũng trao đổi, trò chuyện với bà con nhẹ nhàng và giản dị.
Thông thường trước một vấn đề nóng như Biển Đông, có ý kiến cho rằng, Đảng và Nhà nước phải mạnh mẽ hơn nữa, phải có nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trước sự xâm phạm chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn như thế thì tuyên bố... thôi là chưa đủ. Phải hành động.
Hành động là cần thiết. Nhưng phải đúng lúc, đúng chỗ và đúng thời điểm. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: dĩ bất biến, ứng vạn biến. Kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng đồng thời phải giữ cho được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Dân tộc Việt Nam đã đi qua biết bao cuộc chiến tranh mới giành được độc lập và thống nhất đất nước. Hơn ai hết, mỗi người dân Việt hiểu rõ giá trị của hòa bình. Vậy thì cớ gì bị cuốn vào cái nóng để nóng trước một sự việc nóng như ý muốn của kẻ luôn xưng là bạn tốt? Điềm tĩnh ứng phó – Cha ông đã từng như vậy.
Điềm tĩnh, sáng suốt - chủ trương, đường lối nhất quán của Trung ương, của Quốc hội hơn bao giờ hết quán xuyến trong từng lời nói, dặn dò, cử chỉ của Tổng bí thư ở huyện đảo Phú Quý; quán xuyến trong cả hai nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền ở nơi đầu sóng ngọn gió.
Từ điềm tĩnh Phú Quý, hiểu thêm một điềm tĩnh Việt Nam.