Chung tay xây dựng nông thôn mới
Những ngày đầu tháng 10, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân có dịp về thăm mảnh đất anh hùng Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Đi đến đâu, phóng viên cũng bắt gặp niềm vui phấn khởi của cán bộ, người dân khi Cầu Kè đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Đây là sự phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân Cầu Kè trong suốt 13 năm xây dựng nông thôn mới (NTM).
Dọc hai bên tuyến lộ nhựa nông thôn xanh mát của xã Châu Điền là những căn nhà tường kiên cố, mới tinh “mọc” lên khoảng 4-5 năm nay. Theo cán bộ xã, phía sau những căn nhà tường ấy là câu chuyện vươn lên thoát nghèo của nhiều hộ dân từ chương trình giảm nghèo trong công tác xây dựng NTM, phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc.
Vừa nói xong, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Châu Điền Phạm Vũ Trường dẫn chúng tôi ghé thăm nhà bà Huỳnh Thị Thu - một trong những hộ dân tộc Khmer thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ vay vốn nuôi lợn, nuôi bò.
Bà Thu kể, gia đình bà chỉ có vài công đất trồng lúa nên mấy năm về trước luôn thiếu trước hụt sau. Nhờ cán bộ hướng dẫn, vợ chồng bà vay vốn nuôi lợn. Nhờ chăm chỉ làm ăn và chăm sóc tốt đàn lợn nên gia đình bà có của dư theo từng năm, tích cóp cất căn nhà 3 gian hơn 350 triệu đồng.
Bà Thu phần khởi cho biết: “Vừa qua, tôi được chính quyền địa phương cho bốc thăm vay vốn chăn nuôi nên tôi mua thêm một con bò. Khi đưa bò về nuôi không được bao lâu, bò mẹ đẻ được một bò nghé. Gia đình mừng lắm vì chuyện chăn nuôi suôn sẻ, may mắn. Tôi cám ơn Đảng, Nhà nước và cán bộ địa phương nhiều lắm”.
Trong công tác xây dựng NTM, hạ tầng giao thông luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Đến nay hầu hết các tuyến đường trên địa bàn các xã huyện Cầu Kè đều đạt chuẩn. Đặc biệt, là những tuyến đường được cứng hóa nằm sâu trong nội đồng, chính quyền vận đồng tiền làm đường, bà con hiến đất; nhiều hộ hiến từ vài trăm mét vuông đến cả 1.000m2 đất cho nhà nước làm đường.
Một trong những hộ dân hiến đất nhiều nhất trên địa bàn xã Châu Điền là Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Trà Bôn Huỳnh Công Há. Tính đến nay, ông Há đã hiến trên 500m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Sắp tới, nhà nước đầu tư tuyến đường 5m đi ngang phần đất gia đình, ông sẵn lòng hiến hơn 1.000m2 đất cho nhà nước thực hiện công trình này.
Ông Há chia sẻ: “Ở đâu đường xá phát triển thì giao thương của người dân sẽ phát triển. Mặc dù bà con ai cũng biết lợi ích này, nhưng khi mở đường, vận động bà con hiến đất cũng gặp không ít khó khăn. Bởi thế, tôi luôn tiên phong đi đầu, hiến đất cho nhà nước làm đường, từ đó, bà con trong ấp cũng đồng lòng làm theo như tôi”.
Đi trên tuyến lộ nông thôn được một nhà tài trợ kinh phí xây dựng từ năm 2022, ông Há kể, khi làm những công trình theo hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” là Bí thư, chủ tịch xã, cán bộ… đều “xắn tay áo”, lao vào làm cùng với nhân dân. Người vác đá, người trộn hồ, cắt sắt… chẳng phân biệt đâu là cán bộ, là dân. Từ những buổi lao động như vậy, người dân và cán bộ gắn bó nhau hơn nên chẳng có việc gì khó mà địa phương không thực hiện được, nhất là nhiệm vụ xây dựng NTM.
Không để tiêu chí NTM nâng cao… bị hạ thấp
Huyện Cầu Kè bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM từ năm 2010. Đến năm 2019, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh quyết định chọn huyện làm điểm xây dựng huyện nông thôn mới; thời điểm này huyện Cầu Kè chỉ có 5/10 xã được công nhận đạt chuẩn. Cấp huyện chỉ đạt 6/9 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt.
“Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị và từng người dân trong huyện. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, huyện tổ chức thực hiện đạt mục tiêu đề ra và được Trung ương công nhận huyện nông thôn mới vào cuối năm 2019”. Bí thư Huyện ủy Cầu Kè Nguyễn Hoàng Khải nhớ lại, chia sẻ.
Phát huy kết quả đạt được, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ “Tiếp tục nâng chất các tiêu chí, xây dựng đạt chuẩn huyện NTM nâng cao trước năm 2025; phấn đấu có 10/10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt NTM kiểu mẫu”.
Nghị quyết đã có, kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao sẵn sàng, UBND huyện Cầu Kè tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể để làm nòng cốt trong các phong trào ở địa phương, nhất là thi đua xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Từ đó, tại các địa phương có nhiều mô hình được huyện phát động, phát huy hiệu quả và được tỉnh điển hình, nhân rộng ra toàn tỉnh, như: Mô hình "Trên làm gương mẫu mực – Dưới tích cực làm theo"; mô hình "Nghe dân nói – Làm dân tin"; mô hình "Đồng hành cùng người nghèo"; mô hình "Một ngày với dân"...
Lãnh đạo huyện Cầu Kè cho biết, khi có sự đồng lòng của người dân, lãnh đạo địa phương tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, nhờ đó tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 13%/năm, vốn đầu tư toàn xã hội tăng gần 35%; thu nhập bình quân từ 59 triệu đồng/người/năm (2020) lên 71 triệu đồng/người/năm (2023). Nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới nâng cao trên 1.800 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 54%, vốn doanh nghiệp trên khoảng 35%, vốn nhân dân đóng góp khoảng 11%.
Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè Trần Phong Ba cho rằng, qua đúc kết kinh nghiệm khi xây dựng NTM là huyện tập trung chỉ đạo hoàn thành quy hoạch vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới; công tác đầu tư xây dựng luôn bám sát theo quy hoạch đã được phê duyệt. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đến nay cơ bản 100% đường xã, liên xã được cứng hóa, đảm bảo cho ô tô đi lại thuận tiện.
Ông Trần Phong Ba còn thông tin thêm, với đặc thù là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer (trên 37.000 người, chiếm hơn 32% dân số), huyện đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt các chính sách trong vùng đồng bào dân tộc như: hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nước sạch, vốn ưu đãi phát triển sản xuất…, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè, Trụ trì chùa Cành Đa, Hòa thượng Thạch Thảo, chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy chương trình xây dựng NTM của Đảng, Nhà nước là một chương trình hết sức ý nghĩa dành cho bà con sống khu vực nông thôn. Và khi địa phương xây dựng NTM, NTM nâng cao, đời sống người dân cứ tăng dần. Bởi vậy, sư sãi ở các chùa cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân biết, dân hiểu và dân cùng tham gia xây dựng NTM, vì bà con chính là người thụ hưởng. Cũng từ chương trình này, tôi nhận thấy, ngoài việc đời sống kinh tế bà con (dân tộc Kinh, Khmer, Hoa) được nâng lên thì tinh thần đoàn kết giữa người dân trong khu xóm càng gắn bó khắn khít nhau hơn, tạo nên một sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc như ý Đảng mong muốn".
Với những nỗ lực và thành quả đó, ngày 2.8.2024 vừa qua, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè Trần Phong Ba trăn trở, huyện Cầu Kè đạt 9/9 tiêu chí NTM nâng cao là một nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện. Tuy nhiên, ông cho rằng, vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là: Chất lượng xây dựng NTM nâng cao chưa thật sự đồng đều ở các xã; có xã vượt tiêu chí khá cao, có xã chỉ mới đạt ngang mức chuẩn quy định; Cảnh quan môi trường vẫn còn một số nơi chưa thật sự sáng, xanh, sạch, đẹp; Kinh tế của huyện tăng trưởng khá nhanh nhưng so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương thì chưa tương xứng, nhất là thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái...
Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Cầu Kè nhận thức rằng, xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; do đó, thời gian tới Đảng bộ và nhân dân huyện Cầu Kè cùng nhau thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, tránh tình trạng một số tiêu chí nâng cao bị hạ thấp.
Đó là, tập trung xây dựng hệ thống chính trị thật sự đoàn kết, thống nhất, thường xuyên sâu sát cơ sở, chủ động giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đồng thuận trong nhân dân về ý nghĩa nâng chất các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Phát huy vai trò của đảng viên cơ sở, tổ tự quản, hội viên các đoàn thể, người uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động.
Tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch vừa đảm bảo tính khả thi; Xác định nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế trọng tâm của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nhất là phát huy vai trò nòng cốt của tổ hợp tác sản xuất và hợp tác xã. Phát huy hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội… nhằm đồng bộ nâng cao thu nhập cho người dân.
Đặc biệt là phát huy tinh thần tiến công, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhằm tạo chuyển biến tích cực, tạo cuộc sống sung túc, văn minh cho người dân. Khi đó, mới chính là sự thành công của chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao trên quê hương Cầu Kè – quê hương nữ Anh hùng Nguyễn Thị Út.