Huy động nguồn vốn lớn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn
Tại tọa đàm “Tín dụng chính sách xã hội dưới góc nhìn của đại biểu Quốc hội” diễn ra chiều 9.11, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Huỳnh Văn Thuận cho biết, năm 2024 là năm thứ 10 tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong 10 năm qua Chỉ thị số 40-CT/TW đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả với những thành quả nổi bật. Qua đó, tập trung huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng, không ngừng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, tạo nguồn lực lớn đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cụ thể, đến ngày 31.10.2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 375.848 tỷ đồng, tăng 241.186 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, giảm nghèo từ 14,2%, năm 2011 xuống 2,93% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình cho biết: Chính sách tín dụng xã hội đã góp phần quan trọng trong xây dựng Trà Vinh trở thành tỉnh Nông thôn mới. Trong những năm qua, tại tỉnh Trà Vinh, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương luôn xác định tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tỉnh Trà Vinh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách từ ngân sách Nhà nước chuyển sang Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Đến nay, tỉnh Trà Vinh đã ưu tiên bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt trên 633 tỷ đồng. Hiện dư nợ tín dụng chính sách tại Trà Vinh đạt 4.677 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng so với năm 2014, với tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình trên 18%/năm. Có trên 129.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách đang được vay vốn, với tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, chỉ 0,18%/tổng dư nợ… Nhờ vậy, giai đoạn 2014 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo tại Trà Vinh giảm từ 10,66% xuống còn 1,8%, và từ 2021 đến cuối năm 2023, tỷ lệ này tiếp tục giảm xuống còn 1,19%.
ĐBQH, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng Đoàn Thị Lê An cho rằng: Tín dụng chính sách là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng trong thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách, các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đề ra, nhằm giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và góp phần ngăn ngừa tín dụng đen tại các địa phương.
Cao Bằng, là một tỉnh miền núi biên giới, khách hàng chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn, người khó khăn và người yếu thế khó vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã cải thiện cho người nghèo, đối tượng chính sách có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội một cách thuận lợi, kịp thời và qua đó, giúp cho hơn 473.974 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng được vay vốn để sản xuất, góp phần giúp cho trên 102.404 hộ thoát nghèo và giải quyết việc làm cho trên 52.000 lao động, hỗ trợ trên 2.270 người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ 22.411 học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng…
Thực hiện nghiêm các chính sách về bố trí vốn
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan đánh giá hiệu quả tín dụng chính sách xã hội ở trên 3 bình diện: ở khía cạnh quốc gia, Việt Nam đã trở thành một hình mẫu cho nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới về việc giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế để bảo đảm chính sách xã hội. Trong những thành quả đó có đóng góp, vai trò rất to lớn của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, giúp cho những người nghèo, người cận nghèo vươn lên thoát nghèo, những người dân có khó khăn được bảo đảm về an sinh xã hội.
Ở bình diện địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đóng góp rất quan trọng cho việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Ở góc độ người dân, vốn tín dụng chính sách xã hội đã là nguồn hỗ trợ trực tiếp để nhiều người có thể vươn lên ổn định cuộc sống và vượt qua khó khăn. Từng người dân ổn định và giàu có, từng địa phương có nền kinh tế tăng trưởng mạnh thì tổng thể quốc gia thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng ta đặt ra.
Tuy nhiên, ông Lâm Văn Đoan cho rằng, trong giai đoạn mới, chính sách tín dụng xã hội cần khắc phục được các nhược điểm, như thiếu vốn hoặc cơ cấu vốn không ổn định, bền vững, thực hiện được tổng nguồn vốn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đặt ra.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng cho rằng: Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nổi bật nhất trong xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế. Ngân hàng Chính sách Xã hội đã được Ngân hàng Thế giới đánh giá là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và là một trong những ngân hàng cung cấp tài chính vi mô lớn nhất châu Á. Nhưng sau những thành công trong giai đoạn vừa qua, bước sang bối cảnh mới, nhu cầu tài chính cho những lao động ở mức thu nhập vừa thoát khỏi ngưỡng nghèo rất lớn, nhu cầu về nguồn vốn và phát triển kinh tế xã hội tập trung vào khu vực đô thị rất nhiều.
Ông Nguyễn Quang Đồng nhận định: Với biến động về mặt đô thị hóa, nghèo không phải chỉ ở nông thôn nữa mà thách thức lớn sắp tới vẫn là đô thị hóa và chuyển về thách thức cho người nghèo ở đô thị sẽ rất là lớn. Đây sẽ là lĩnh vực mới mà Ngân hàng Chính sách Xã hội cần quan tâm giải quyết. Bên cạnh đó, làm thế nào để ứng dụng công nghệ phục vụ tốt cho thực hiện chức năng trong giai đoạn mới.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu góp ý: Trong thời gian tới để thực hiện các chính sách xã hội, rất cần thiết phải phát huy vai trò của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cách thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội rất gần gũi và bám sát với người dân, đặc biệt mô hình tổ tiết kiệm vay vốn. Hiện nay, mô hình này trải dài đến hầu hết các địa phương với hơn 169 nghìn tổ tiết kiệm vay vốn thì có lẽ không ngân hàng nào có thể làm được và có thể triển khai hiệu quả hơn Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả thực tế của các chính sách, cần có yêu cầu phải thực hiện nghiêm các chính sách về bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Đồng thời, trước mắt phải đảm bảo cân đối nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội bền vững.