Điểm quy chiếu

10/12/2006 00:00

Bình quân GDP tính theo đầu người là 800USD/năm, đối với đông đảo gia đình nghèo trong xã hội ta hôm nay, dù sao cũng chỉ là một biểu tượng thuần túy của con số thống kê, rất khó cảm nhận, chẳng mấy tác động.

        Tăng trưởng kinh tế chỉ có ý nghĩa với người dân khi mâm cơm của họ bớt đi vẻ đạm bạc, chiếc áo tấm quần của con trẻ lành lặn và đẹp đẽ hơn, thuốc men chạy chữa cho bệnh tật của người già không đến nỗi là một ám ảnh nặng nề của nợ nần chồng chất với mức sống giật gấu vá vai không sao dư dôi ra chút đỉnh để dự phòng cho những bất trắc. Bình quân GDP tính theo đầu người là 800USD/năm, đối với đông đảo gia đình nghèo trong xã hội ta hôm nay, dù sao cũng chỉ là một biểu tượng thuần túy của con số thống kê, rất khó cảm nhận, chẳng mấy tác động. 
           Vả chăng, nhìn kỹ ra, nói đến những phần trăm của nhịp độ tăng trưởng là để chúng ta tự động viên sự nỗ lực của chính mình, một nước nghèo, chứ đem so với người thì chưa là gì. Ai cũng biết rằng 8,2% của 100 đồng khác xa với 8,2% của 1.000đồng. Nhưng quan trong hơn nữa, là sự phân phối thành quả ấy ra sao? Bao nhiêu trong đó người dân được hưởng dụng, bao nhiêu chui vào túi đặc quyền đặc lợi, bao nhiêu là “đem rải đường” mà sự vung vãi lãng phí đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân khó mà thống kê đủ, như chỉ riêng một đoạn đường ngắn khoảng 1km Kim Liên-Ô Chợ Dừa (Hà Nội) đã chi hết 800 tỷ đồng! Mức bội chi 5% được Quốc hội cho phép liệu có chỉ ra được trong đó bao nhiêu là do lãng phí do vô trách nhiệm hoặc quản lý kém và bao nhiêu là tham nhũng, bao nhiêu là hợp pháp hóa “đúng thủ tục” của đặc quyền đặc lợi? Để có được sự phát triển bền vững phải tính đến cả ba nhân tố: kinh tế, xã hội và môi trường. 
         Về kinh tế, mức tăng trưởng dựa phần lớn vào khai thác tài nguyên, ưu đãi vốn và tăng đầu tư công, hàm lượng chất xám của sản phẩm còn quá thấp do đầu tư vào vốn con người và đổi mới công nghệ còn quá chậm, đó là chuyện phải nghĩ. So sánh tỷ lệ sử dụng công nghệ cao của nước ta với một số nước ASEAN sẽ thấy rõ sự chậm trễ đáng lo ngại này: Việt Nam: 2%, Thái Lan: 30%, Malayxia: 51% và Singapore: 73%! Các báo cáo thống kê của ta cho đến nay vẫn chưa đưa ra được chính xác sư đóng góp của vốn con người. Trong lúc đó,vượt thu ngân sách là nhờ giá dầu thô tăng 14.000 tỷ trên 20.000 tỷ vượt thu chiếm 67,6% tổng số vượt thu trong năm. Trong khi đó, nguồn thu từ sản xuất kinh doanh chỉ chiếm 43% tổng thu ngân sách.
         Về xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân, trước hết là đông đảo người nghèo được thụ hưởng thành quả của sự tăng trưởng kinh tế, là một trong những điểm quy chiếu về tính bền vững của sự tăng trưởng ấy. Vấn đề phân phối sản phẩm sẽ là vấn đề có ý nghĩa an dân và ổn định xã hội. Đây là điều người dân chờ đợi về sự đánh giá chính thức của Chính phủ cũng như của sự thẩm định của Quốc hội về báo cáo ấy. Tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người nghèo trong xã hội, nhóm xã hội chịu nhiều thiệt thòi nhất, điều này phải được chú ý ngay từ đầu và suốt trong quá trình tạo nên sự tăng trưởng kinh tế. Khi giá tiêu dùng tăng, có thể một bộ phận nào đó trong xã hội ít hoặc thậm chí không chịu ảnh hưởng mấy, song đối với người nghèo thì quả là thảm họa, vì nó tác động trực tiếp đến bát cơm cho con trẻ, đến đĩa tép rang mặn chát bày trên mâm cơm đạm bạc phổ biến của triệu trịêu gia đình nghèo. Cùng với bữa cơm nghèo ấy là những tai họa ô nhiễm môi trường, mà đối tượng gánh chịu hậu quả chủ yếu cũng là người nghèo. 
         Đương nhiên, hậu qủa của vấn đề môi trường không chỉ  có vậy. Hậu quả nhỡn tiền của việc tàn phá môi trường, rõ nhất là nạn phá rừng, có thể trực tiếp đo đếm thiệt hại từ các trận lũ quét khủng khiếp về người và của. Các mặt hàng xuất khẩu từ gỗ được khai thác trong nước cũng góp phần tăng GDP. Song, sức tàn phá của lũ lụt và hạn hán tăng lên do rừng bị khai thác một cách vô tội vạ, mà người gánh chịu trước hết lại là nhóm xã hội bị yếu thế, bị thiệt thòi và dễ bị thương tổn nhất, thì không sao tính ra con số cụ thể được. Và dường như người ta cũng ngại phải tính đến. Chính vì thế, xét về mặt môi trường cần lưu ý gần đây người khuyến cáo sử dụng chỉ số mới mang tên “Tổng sản lượng quốc gia thuần và xanh” , NNP (Green net national product) chứ không chỉ sử dụng “Tổng sản phẩm trong nước”GDP. “Thuần” là đòi hỏi phải điều chỉnh tổng sản phẩm sau khi đã khấu trừ các tài sản của đất nước bị hao hụt đi trong quá trình sản xuất. “Xanh” nghĩa là phải chú ý đến mức tiêu hao nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước đã bị khai thàc cho tăng trưởng kinh tế , gắn với sự hủy hoại môi trường sống của con người khi tính tổng sản phẩm trong nước (GDP). Phải chăng “những làng ung thư”, những dòng sông đen kịt chảy trong lòng thành phố, những núi rác khổng lồ nằm sát cạnh khu vực dân sinh đông đúc, cả biển người ùn tắc trong hơi thở ngột ngạt của khói bụi thải ra từ các phương tiện vận tải tại các giao lộ trong giờ cao điểm, học sinh đến trường, công nhân đến xưởng, nhân viên đến công sở liệu có phải đưa vào trong sự tính toán của tăng trưởng kinh tế không?
         Tóm lại, điểm quy chiếu của sự tăng trưởng kinh tế phải tìm về trong cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần của con người trong xã hội. Vì xét cho cùng, mục tiêu của tăng trưởng kinh tế là gì nếu không là vì con người, vì đời sống được nâng cao của con người. Ở một nước nghèo, thì điểm quy chiếu ấy lại phải tìm về trong đông đảo các nhóm xã hội đang dễ bị tổn thương nhất, nhóm người nghèo. 
         Vả chăng, động lực của phát triển kinh tế cũng được nuôi dưỡng trong chính mục tiêu của tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu không rõ hoặc không được thực hiện đồng bộ thì động lực sẽ suy giảm , thậm chí bị triệt tiêu dần. Mà không chỉ là mục tiêu và động lực. Còn là đạo lý của phát triển, cũng là đạo lý của dân tộc.
Đạo lý
? Đúng vậy. Xin gợi lại một sử liệu. Trong “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn đã chép một bài thơ của bạn đưa tiễn mình trên đường vào Kinh, bài thơ của Lê Viết Trình,  có hai câu nói lên đạo lý  ấy :
                                    “Vật giá tự vô đằng dũng hoạn
                                    Sinh dân thứ lạc thái bình phong” 
Mong sao cho vật giá đừng tăng vọt lên nữa và nhân dân vui hưởng thái bình. Thì ra, nỗi lo vật giá gia tăng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của dân đã từng là niềm ưu tư của những tấm lòng thật sự vì nước vì dân tự bao đời nay.
Liệu đây có phải là điểm quy chiếu cần thiết để tính toán đến thành tựu tăng trưởng kinh tế mà Báo cáo của Chính phủ đã trình bày và Quốc hội đang thảo luận?

Tương Lai

(Xuất bản trên báo giấy số 303, 30.10.2006)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Điểm quy chiếu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO