Điểm “nghẽn” khó gỡ
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình có 3 dự án thành phần, với chiều dài 126,43km, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố và 35 xã, phường. Tính đến ngày 20.8, chiều dài đã bàn giao cho các Ban Quản lý dự án là 126,82km, đạt 99,51%. Hiện, còn lại 610m, chiếm 0,49%. Mặc dù chỉ phần nhỏ còn lại, nhưng đây lại chính là những điểm vướng mắc khó tháo gỡ trên tuyến.
Theo đó, trong 6 địa phương có tuyến giao thông huyết mạch đi qua, còn 4 huyện vẫn chưa hoàn thành 100% giải phóng và bàn giao mặt bằng.
Trong đó, huyện Quảng Trạch đã bàn giao được 25,29km/25,3km (đạt 99,96%); còn lại 10m (chiếm 0,04%). Thị xã Ba Đồn đã bàn giao 9,32km/9,35km (đạt 99,63%); còn lại 35m (chiếm 0,37%). Huyện Bố Trạch đã bàn giao được 28,96km/29,04km (đạt 99,72%), còn lại 80m (chiếm 0,28%). Đặc biệt, huyện Lệ Thuỷ đã bàn giao được 31,46 km/31,95 km (đạt 98,47%); chiều dài còn lại 490m (chiếm 1,53%).
Theo đại diện Ban quản lý Dự án Hồ Chí Minh, chủ đầu tư dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ, trên tuyến chỉ còn khoảng 2% mặt bằng chưa bàn giao (tại huyện Lệ Thuỷ), nhưng là những điểm vướng ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Bên cạnh đó, cũng theo vị đại diện, còn phần mặt bằng người dân đã bàn giao rồi, nhưng chưa thu hồi tài sản còn tầm khoảng 500m. Trong đó, đặc biệt lưu ý trường hợp hộ ông Nguyễn Ngọc Dương ở xã Trường Thuỷ, đã ký bàn giao từ ngày 15.6, nhưng đến hiện nay, nhà cửa và tài sản chưa tháo dỡ để đơn vị thi công triển khai các công việc.
Đối với phần tuyến còn nghẽn tại huyện Lệ Thuỷ, có 450m liên quan đến tái định cư, với 105m qua hộ Trương Xuân Thành, xã Trường Thuỷ liên quan khiếu kiện của người dân và kết luận khiếu nại năm 2016); 40m liên quan đến hoàn thiện hồ sơ phương án bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp tại xã Phú Thuỷ.
Triển khai cưỡng chế nếu cần thiết
Theo đại diện Ban quản lý Dự án Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối tháng 8, nếu không có mặt bằng để tận dụng nốt thời gian ngắn ngủi mùa khô thì sẽ phần nào cản trở tiến độ đề ra. "Qua tháng 9, sang tháng 10 không thể thi công phần đất nữa. Vào mùa mưa, chỉ có thể triển khai các hạng mục bê tông, mặt đường trong thời gian dừng mưa", đại diện Ban quản lý Dự án Hồ Chí Minh cho biết.
Được biết, trong thời gian qua, các địa phương và đơn vị liên quan đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đối với các điểm nghẽn khó tháo gỡ còn lại, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình đã có yêu cầu, kiến nghị các địa phương giải quyết từng trường hợp cụ thể phù hợp với lợi ích chính đáng của người dân, đúng theo quy định của pháp luật. Theo đó, tại huyện Bố Trạch, cần tuyên truyền, vận động các hộ dân nhận tiền, phối hợp để bàn giao đối với 80m còn lại. Tuy nhiên, trong trường hợp cố tình chây ỳ, cản trở tiến độ, có thể rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục quy trình, điều kiện để triển khai các biện pháp cần thiết (cưỡng chế, bảo vệ thi công,…) theo quy định của pháp luật.
Đối với huyện Lệ Thuỷ, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền để bàn giao các đoạn tuyến còn lại, bao gồm 45m tại Thị trấn Nông trường Lệ Ninh, 320m tại xã Phú Thuỷ, 125m tại xã Trường Thuỷ; đồng thời, rà soát các văn bản có liên quan khiếu kiện của người dân và kết luận khiếu nại năm 2016 để giải quyết đúng quy định và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và khoảng 200m đoạn tuyến hoàn trả đường Hồ Chí Minh nhánh Đông tại xã Phú Thuỷ.
Về phía các Ban Quản lý dự án, địa phương đề nghị các đơn vị thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân xung quanh khu vực thi công.
Cùng với đó xác định mức độ ảnh hưởng của công trình đường bộ cao tốc đến đời sống, sức khỏe của người dân có công trình nhà ở cách mốc giải phóng mặt bằng trong phạm vi 3,0m và sớm có văn bản gửi UBND cấp huyện thu hồi hoặc không thu hồi đất đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng, làm cơ sở để UBND cấp huyện triển khai các công việc tiếp theo.