Thị trường chứng khoán Việt Nam

Điểm đến hấp dẫn, an toàn của dòng vốn ngoại

- Thứ Ba, 19/10/2021, 11:13 - Chia sẻ
Thời gian qua, dòng vốn ngoại đã liên tục bán ròng và rút ròng nhẹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Diễn biến dòng vốn ngoại không tác động quá nhiều tới diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua và Việt Nam đầy triển vọng để sớm thu hút trở lại dòng tiền này mạnh mẽ hơn. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho rằng, Việt Nam là điểm đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư với các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng

Nhà đầu tư ngoại vẫn tin tưởng chứng khoán việt

- Xin ông cho biết đánh giá của cơ quan quản lý về diễn biến giao dịch của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài (NĐTNN) trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tính từ đầu năm?

- Từ đầu năm 2021 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, tâm lý chung của NĐT là khá thận trọng khi đầu tư trên các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam. Từ đầu năm đến hết tháng 9.2021, NĐTNN đã bán ròng 30.196 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD) trên TTCK Việt Nam, trong đó, NĐTNN bán ròng 40.309 tỷ đồng cổ phiếu (khoảng 1,7 tỷ USD) và mua ròng 10.113 tỷ đồng trái phiếu (khoảng 0,4 tỷ USD).

Xét về giá trị bán ròng của NĐTNN trên thị trường quốc tế, thì TTCK Việt Nam cũng theo xu hướng chung nhưng thấp hơn so với các nước trong khu vực.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), việc NĐTNN bán ròng là do một số yếu tố như tác động của đại dịch Covid-19 và đặc biệt là hiện thực hóa khoản lợi nhuận trong danh mục đầu tư đã thực hiện giải ngân vào năm 2019 và 2020, sau khi thị giá cổ phiếu đã tăng cao để chờ đợi các cơ hội đầu tư mới.

- Mặc dù NĐTNN phần nhiều giao dịch bán ròng trên thị trường, tuy nhiên nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về việc dòng vốn ngoại rút ròng ra khỏi Việt Nam. Ông có ý kiến gì về điều này? Đâu là minh chứng để có thể khẳng định là đến thời điểm hiện nay, dòng vốn ngoại vẫn ở lại Việt Nam và sẵn sàng tham gia trở lại khi các điều kiện vĩ mô ổn định hơn?

- Trong 9 tháng đầu năm, NĐTNN đã rút ròng ra khỏi Việt Nam khoảng 444 triệu USD, con số này là rất thấp so với mức rút ròng ở các nước trong khu vực và chưa có dấu hiệu rút vốn đột biến, nên việc rút ròng này chưa đáng quan ngại. Như đã nói ở trên, NĐTNN rút ròng trên thị trường cổ phiếu, nhưng có xu hướng mua trái phiếu và giữ lại tiền mặt đề chờ đầu tư tiếp. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ trọng tiền mặt trong tổng giá trị danh mục của NĐTNN vẫn tương đối ổn định ở mức cao từ đầu năm đến nay.

Ở góc độ khác, có thể thấy mặc dù NĐTNN có rút vốn ra khỏi Việt Nam, nhưng giá trị rút vốn lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay chỉ chiếm 0,8% tổng giá trị danh mục của NĐTNN và thấp hơn giá trị bán ròng của NĐTNN trên TTCK. Điều này cho thấy hoạt động bán ròng của NĐTNN phần nào để tái cơ cấu danh mục, không phải hoàn toàn để rút vốn. Số lượng NĐTNN đăng ký cấp mới mã số giao dịch chứng khoán và mở mới tài khoản giao dịch tăng đều qua các tháng. Tổng số lượng NĐTNN đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trong 9 tháng vừa qua là 3.235 tài khoản, bằng hơn 80% của năm 2020, nâng tổng số tài khoản NĐTNN trên thị trường đạt 38.306 tài khoản. Đây là những chỉ báo cho thấy NĐTNN vẫn tin tưởng vào TTCK Việt Nam.

- Về mặt cơ hội, ông có thể cho biết, Việt Nam đang có những lợi thế riêng gì để có thể thu hút dòng vốn ngoại khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trong thời gian tới?

-  Đầu tiên, chúng ta có thể thấy, môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh đã và đang được cải thiện đáng kể. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ năm 2021 đã giúp môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và hoàn thiện hơn. Trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều quy định mới liên quan đến nâng chuẩn hàng hoá trên TTCK, tăng cường công bố thông tin, nâng cao điều kiện về phát hành, niêm yết chứng khoán, quản trị công ty, … giúp thị trường phát triển bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp.

Việt Nam là điểm đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư với các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định. Trước khi đại dịch diễn ra, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt và trước đợt bùng phát đợt dịch lần thứ 4, nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Tổ chức Tiền tệ Quốc tệ (IMF), Ngân hàng Thế giới (World Bank) đều dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6% - 6,5%. Do tác động của đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4, kịch bản tăng trưởng này sẽ rất khó đạt được, thậm chí mức tăng trưởng năm nay sẽ thấp hơn nhiều. Tuy vậy, toàn hệ thống chính trị đã và đang rất quyết tâm chống dịch hiệu quả. Khi kiểm soát sớm đợt dịch này, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục và có tiềm năng tăng trưởng tốt, thu hút sự tham gia của các NĐT quốc tế. 

Đồng bộ giải pháp để nâng hạng và thu hút vốn ngoại

- Một số ý kiến cho rằng, để dòng vốn ngoại có thể tăng bùng nổ hơn, trong đó có việc nâng hạng TTCK, thì bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý ngành Chứng khoán, cần rất nhiều sự vào cuộc thực sự của nhiều cơ quan bộ, ngành và các doanh nghiệp. Ông có ý kiến gì về điều này?

-  Hiện nay, hai tổ chức MSCI và FTSE-Russell đều đang xếp hạng Việt Nam là thị trường cận biên. Trong đó, FTSE đang đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng. Các cổ phiếu của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các chỉ số thị trường cận biên (khoảng 27%) của FTSE. Do còn là thị trường cận biên nên nhiều quỹ đầu tư lớn có uy tín trên thế giới chưa quan tâm đầu tư hoặc đầu tư ở mức rất hạn chế. Nếu được nâng hạng, nguồn vốn từ các quỹ này sẽ vào nhiều hơn, và lúc đó dòng tiền đầu tư từ nước ngoài mới tăng về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng, việc nâng hạng thị trường cũng giống như nâng định mức tín nhiệm quốc gia, phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ tiềm năng phát triển đến các hệ thống chính sách thực thi đồng bộ. Do vậy, để TTCK Việt Nam nâng hạng, theo chúng tôi, cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là từ Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng kịch bản tăng trưởng sau khi đại dịch và phối hợp chính sách để cải thiện môi trường đầu tư. Về cơ quan quản lý ngành Chứng khoán cần xây dựng, phát triển TTCK với các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ tương ứng với các thông lệ ở thị trường chứng khoán mới nổi, tạo ra sự công bằng cho nhà đầu tư nước ngoài khi gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam.

Điều đáng mừng là câu chuyện về phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy cổ phần hóa và kiên định xây dựng Chính phủ kiến tạo, đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch đã được đề cập trong các văn bản cấp Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ. Ở góc độ ngành Chứng khoán, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục nỗ lực cho những bước tiến của thị trường. Chúng tôi mong rằng, vấn đề nâng hạng cần được nhìn rộng hơn câu chuyện của một ngành, mới có thể bước vững đến mốc nâng hạng và quan trọng hơn là bền vững sau nâng hạng để nhận được những giá trị tích cực từ diễn biến này.

- Về phía cơ quan quản lý, đâu là các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn gián tiếp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thưa ông?

- Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường mục tiêu phát triển TTCK bền vững song song với việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng.

Trong đó về giải pháp ngắn hạn, UBCKNN sẽ tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT tham gia và đầu tư vào TTCK Việt Nam. Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường như đưa thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trên một số chỉ số cổ phiếu, đưa thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp vào hoạt động trên Sở GDCK Hà Nội vào năm 2022. UBCKNN cũng sẽ tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra trong điều kiện mới, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm tăng cường kỷ luật kỷ cương, củng cố niềm tin của NĐTNN đối với TTCK Việt Nam.

Về giải pháp trung hạn, UBCKNN chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường thông qua quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, từng bước áp dụng chế độ kế toán theo chuẩn mức quốc tế (IFRS) của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế.

Về dài hạn, UBCKNN đang xây dựng Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, nhằm tổ chức thực hiện Chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030 đang được Bộ Tài chính dự thảo.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Hương