Khoảng 5% được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế
Từ những năm đầu thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04.11.2013 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế về giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) hầu như vắng bóng trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế cũng như chưa có cơ sở GDĐH nào được công nhận kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế, có 09 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và GDĐH Pháp (HCERES), AUN-QA, FIBAA và QAA; 393 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất 13 lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.
Kết quả này tương đương với khoảng hơn 12% số chương trình đào tạo trên cả nước đã được kiểm định, trong đó có khoảng 5% được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế, là con số còn rất hạn chế.
Theo kết quả xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 của USNEWS9, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020 (tuy nhiên vẫn xếp sau một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Như Singapore (hạng 21), Malaysia (38), Thái Lan (46), Indonesia (54), Philippines (55).
Bước nhảy vọt
Theo Bộ GD-ĐT, các cơ sở GDĐH Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
So với các năm trước, năm 2022 là một bước nhảy vọt khi có tới 5 đại diện của Việt Nam được lọt vào bảng xếp hạng THE gồm: Trường ĐH Duy Tân: vị trí 401-500, Trường ĐH Tôn Đức Thắng: vị trí 401-500, ĐH Quốc gia Hà Nội: vị trí 1.001- 1.200, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội: vị trí 1.201+, ĐH Quốc gia TP.HCM: vị trí 1.201+
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có 05 cơ sở GDĐH trong Bảng xếp các trường đại học tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities) là: Trường ĐH Tôn Đức Thắng (vị trí 387, tăng 236 bậc),Trường ĐH Duy Tân (vị trí 577, lần đầu tiên có mặt trong danh sách), ĐH Quốc gia Hà Nội (vị trí 938, tăng 11 bậc), ĐH Quốc gia TP.HCM (vị trí 1.187, tăng 84 bậc), ĐH Bách Khoa Hà Nội (vị trí 1.449).
Bên cạnh đó, có thêm 02 cơ sở GDĐH (tổng là 05 cơ sở) có tên trong bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023 gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Duy Tân (trong nhóm 801-1000), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (trong nhóm 1001-1200), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (trong nhóm 1201-1400).
10 cơ sở GDĐH trong bảng xếp hạng Webometrics gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐH Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM; Trường ĐH Mỏ Địa chất.
05 cơ sở giáo dục trong bảng xếp hạng các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi 2021 (THE Emerging Economies University Rankings 2021) gồm: Trường ĐH Tôn Đức Thắng (vị trí 82) và Trường ĐH Duy Tân (vị trí 107); ĐH Quốc gia Hà Nội (vị trí 301-350); ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (vị trí 401-500) và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (vị trí 501+).
11 cơ sở GDĐH trong bảng xếp hạng đại học châu Á (QS Asian University Rankings 2022) gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội (vị trí 147); Trường ĐH Tôn Đức Thắng (vị trí 142); ĐH Quốc gia TP.HCM (vị trí 179); Trường ĐH Duy Tân (vị trí 210); Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (trong nhóm 281-290); ĐH Huế (trong nhóm 401-450); Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng (trong nhóm 501-550); Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM (trong nhóm 551-600; Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (trong nhóm 601-650).
07 cơ sở GDĐH tại bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2022 là: ĐH Quốc gia Hà Nội (vị trí 601-800), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (vị trí 601-800), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (vị trí 601-800) và Trường ĐH Phenikaa (vị trí 801-1000), Trường ĐH Duy Tân (vị trí 601-800), Trường ĐH Kinh tế quốc dân (vị trí 601-800) và Trường ĐH FPT (vị trí 801-1000).
Năm 2023 có 09 cơ sở GDĐH Việt Nam có trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2023 gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội (vị trí 401 – 600), Trường ĐH Duy Tân (vị trí 401 – 600), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (vị trí 601 – 800), ĐH Bách khoa Hà Nội (vị trí 601 – 800), Trường ĐH Kinh tế quốc dân (vị trí 601 – 800), Trường ĐH FPT (vị trí 601 – 800), Trường ĐH Phenikaa (vị trí 801 – 1000) và 2 trường đại học lần đầu tham gia xếp hạng là Trường ĐH Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (vị trí 301 – 400) và Trường ĐH Mở Thành phố Hồ Chí Minh (vị trí 1001+).
Về xếp hạng quốc tế theo nhóm ngành, tới năm 2022, tại bảng xếp hạng các cơ sở GDĐH theo nhóm ngành năm 2023 của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), có 11 ngành đào tạo tại 6 cơ sở GDĐH của Việt Nam được xếp hạng trong top 51-630 tốt nhất thế giới.
Trong đó, kết quả tập trung nhiều tại top 351-500, tại ngành Kỹ thuật với 5 nhóm ngành được xếp hạng và tại 4 cơ sở GDĐH gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Bổ sung nhiều ngành học mới
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, hệ thống các cơ sở GDĐH phát triển theo hướng hiện đại, đa ngành, đa lĩnh vực, năng động, liên thông giữa các cấp và các ngành đào tạo trong nước và quốc tế.
Các cơ sở GDĐH chủ động phát triển chương trình đào tạo nhân lực trình độ cao, đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình và phương pháp dạy và học đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, miền, địa phương.
Trong 03 năm gần đây, số lượng các chương trình đào tạo theo các ngành mới tại các cơ sở GDĐH tăng mạnh. Danh mục thống kê ngành đào tạo đã bổ sung nhiều ngành mới như: Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Kinh tế số, Công nghệ giáo dục, Công nghệ tài chính, An ninh mạng, Robot, Internet vạn vật, Truyền thông số, Marketing số…cho phát triển lĩnh vực công nghệ cũng như các lĩnh vực khác.
Việc bổ sung đào tạo các ngành mới vào hệ thống danh mục thống kê ngành đào tạo đối với GDĐH được thực hiện theo tiếp cận từ dưới lên, đảm bảo tính khoa học và chuẩn hóa theo các chuẩn mực trên thế giới giúp các cơ sở GDĐH dễ dàng phát triển các ngành học mới thích ứng với yêu cầu đào tạo luôn thay đổi của thị trường lao động.
Bộ GD-ĐT cho rằng, quy mô đào tạo các chương trình thuộc một số lĩnh vực như: công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông vận tải, tài nguyên, môi trường,… có sự phát triển chậm hơn so với các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, chương trình đào tạo các ngành, lĩnh vực này cũng không ngừng đổi mới, hoàn thiện chương trình theo hướng đa dạng hóa, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực hành, thực nghiệp.