Điểm chuẩn có còn… chuẩn?

- Thứ Bảy, 02/10/2021, 06:44 - Chia sẻ
Gần 2 tuần qua, câu chuyện điểm chuẩn xét tuyển đại học vẫn là chủ đề nóng, đặt ra nhiều vấn đề nghi ngại trong phương thức tuyển sinh và khâu ra đề thi chưa có tính phân hóa cao. Có những ngành học lấy điểm vượt trần 30 điểm, nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh đạt mỗi môn 10 điểm cũng vẫn trượt. Nhưng có những ngành chỉ lấy 15 điểm nhưng đến giờ phút này mới tuyển được vài thí sinh.

Số liệu trong những năm gần đây cho thấy, đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng dễ, nhất là từ năm ngoái đến nay, ảnh hưởng của dịch bệnh gây gián đoạn việc học nên số lượng câu hỏi khó giảm mạnh. Đặc biệt, dù không còn là kỳ thi “2 trong 1” nhưng thực chất vẫn dùng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển đại học dù mục đích hoàn toàn khác nhau. Thi tốt nghiệp là để kiểm tra học sinh có đạt trình độ, năng lực của chương trình phổ thông hay không; còn thi đại học phải có tính phân loại cao, để so sánh, chọn lọc những thí sinh phù hợp với từng trường.

Rõ ràng, có sự bất cập của việc lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào học đại học khi có hiện tượng cả học sinh trung bình lẫn học sinh giỏi điểm đều cao như nhau. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là nguyên nhân chính của hiện tượng “điểm cao vẫn trượt đại học”. Và ngược lại, khi mặt bằng chung điểm thi của thí sinh đều khá cao như vậy, việc một số trường, ngành học vẫn lấy điểm chuẩn khá thấp có bảo đảm chất lượng đầu ra? Nếu năng lực học tập của thí sinh hạn chế thì việc đào tạo ra một đội ngũ nhân lực đại học có chất lượng với năng lực đầu ra theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam bao giờ mới thực hiện được?

Cùng trong hệ thống giáo dục đại học, nhưng có trường 30 điểm vẫn trượt, có trường lại chỉ lấy ở mức bằng điểm sàn thì chất lượng đại học sẽ thế nào? Đầu vào không quyết định tất cả nhưng là khâu rất quan trọng để bảo đảm đầu ra. Cùng một kỳ thi, có thí sinh đạt điểm tuyệt đối, có thí sinh chỉ đạt điểm phân nửa chắc chắn năng lực sẽ khác nhau xa. Khác biệt rõ nhất là về nền tảng học vấn và khả năng tiếp nhận, giải quyết vấn đề sau này. Tuy nhiên, khi được xếp chung vào một hệ đào tạo như nhau, việc sử dụng nhân lực sau đào tạo sàn sàn như nhau thì chưa hẳn sẽ tạo nên sự khác biệt khi cả 2 đều sở hữu tấm bằng đại học.  

Giáo dục đại học là giáo dục bậc cao, dù trong hoàn cảnh nào thì các trường cũng không thể đánh đổi chất lượng. Vì vậy, việc xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào rất quan trọng. Nếu xác định sai, lấy đầu vào thấp mà khắt khe đầu ra thì nhiều sinh viên không thể hoàn tất chương trình đào tạo, gây ra sự lãng phí lớn cho xã hội; còn nếu cứ buông chất lượng để thí sinh vào được, ra được thì sẽ cung cấp cho thị trường lực lượng lao động không có chất lượng. Về lâu dài, thị trường giáo dục sẽ có sự đào thải, trường không có nguồn lực và không có chất lượng sẽ càng khó khăn, không tồn tại được.

Cần khẳng định rằng, nhu cầu nhân lực trình độ đại học ở nước ta còn rất lớn. Theo thống kê năm 2019, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có trình độ đại học trở lên mới chỉ trên 10%. So với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới tỷ lệ này chiếm trên 25% đến dưới 40% thì Việt Nam còn phải rất cần phát triển giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc phát triển ấy không phải bằng bất cứ giá nào. Để tránh cả trường hợp chỗ điểm cao vẫn trượt và chỗ điểm thấp vẫn đỗ thì điểm chuẩn phải thực sự chuẩn, không thể dựa trên thang đo điểm thi tốt nghiệp.

Nhu cầu nhân lực trình độ đại học cao, không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có trường đại học. Đặt yếu tố chất lượng hàng đầu, càng cần triển khai sớm việc quy hoạch, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục đại học yếu kém theo Nghị quyết 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Nhìn lại kỳ xét tuyển năm nay, sẽ có những bài học kinh nghiệm quý báu cho cả thí sinh, các trường phổ thông, trường đại học và cơ quan quản lý giáo dục cho mùa thi sau. Để chọn lọc được những thí sinh phù hợp với tiêu chí, các trường đại học nên sử dụng kết quả kỳ thi này như vòng sơ tuyển, sau đó tiếp tục tổ chức một bài thi đánh giá riêng như vòng chung khảo, tùy vào đặc điểm, yêu cầu từng ngành học như khối ngành nghệ thuật, báo chí đã thực hiện. Còn về lâu dài, cần tính đến xây dựng các trung tâm khảo thí chung của cả nước để nâng cao chất lượng đề thi và kiểm định chất lượng giáo dục.

Duy Anh