Dịch thuật- sẽ không còn tự phát
Tại buổi gặp mặt dịch giả văn học đầu xuân Đinh Hợi do Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Nhà xuất bản Tri Thức và Hội Nhà văn Hà Nội đồng tổ chức, rất nhiều dịch giả danh tiếng đã bày tỏ quan điểm về phát triển nền dịch thuật nước nhà; còn các nhà xuất bản thông báo về kế hoạch dịch thuật và xuất bản trong thời gian tới.

Dịch thuật - nhìn chung là đáng mừng
Dù chất lượng dịch hiện nay vẫn còn một số yếu kém, nhưng tình hình dịch thuật nhìn chung là đáng mừng. Sau khi gia nhập công ước Berne, một số nhà xuất bản và công ty văn hóa đã coi việc mua bản quyền là công đoạn đương nhiên của việc làm sách, nên đã giải quyết được vấn đề này nhanh chóng và hợp lệ. Một số người từng rất lo ngại rằng khả năng tài chính của các nhà xuất bản trong nước sẽ không kham nổi giá bản quyền của các tác phẩm ngoại văn đương đại có giá trị, thế nhưng, các tác phẩm đang được tìm đọc ở nước ngoài như Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót (Haruki Murakami), Mật mã Da Vinci (Dan Brown), A (Kira Teniseva)... vẫn được xuất bản theo diện mua bản quyền, hoặc đáng kể như việc Công ty Nhã Nam kịp thời mua ngay bản quyền ba cuốn sách của nhà văn đoạt giải Nobel 2006 Orhan Pamuk đã chứng minh khả năng thích ứng thời cuộc và sự tự khẳng định mình của giới làm sách chính thống.
Nhìn vào thị trường sách dịch hiện nay, điều đáng nói là những dịch phẩm gần đây đều được những dịch giả hàng đầu như Trịnh Lữ, Dương Tường, Trần Đình Hiến... chuyển dịch. Những người Việt sống ở nước ngoài yêu văn học như Lê Chu Cầu, Trần Thiện Đạo, Vũ Ngọc Thăng... đã trở thành cộng tác viên dịch thuật tích cực của nhiều nhà xuất bản lớn. Tham gia vào làng dịch chất lượng còn có cả thế hệ 8X như Cao Việt Dũng, Hoàng Long, Lương Việt Dũng và những dịch giả trẻ như Trần Tiễn Cao Đăng, Phạm Thu Giang... Thế nên, nói theo dịch giả Phạm Xuân Nguyên, thì “chúng ta có thể hi vọng vào một đội ngũ kế cận đáng tin tưởng”.
Xã hội hóa – điểm mới trong phát triển dịch thuật
Nhật Bản, với quan điểm “Hòa hồn dương tài” (tinh thần Nhật Bản, kỹ thuật phương Tây) trong phong trào Duy tân thời Minh Trị, là một trong những nước đi đầu về dịch sách kinh điển của phương Tây sang tiếng Nhật, nhất là sách triết học, chính trị, xã hội và khoa học kỹ thuật của các nhà tư tưởng lớn của thế giới như Ruso, Monte Kyo, Adam Smith..., từ đó góp phần vào sự phát triển độc lập của Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ở Việt Nam, quan điểm chung nhất của các dịch giả cũng là cần coi trọng việc dịch thuật. Quan điểm này không chỉ nhận được sự ủng hộ của giới chuyên môn, mà còn được chia sẻ sôi nổi đến mức “cần phải coi là quốc sách” ở các diễn đàn như Mọt sách Việt Nam, Nhóm dịch trẻ. Sự ra đời của Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh thể hiện rất rõ mong muốn ủng hộ việc làm cách mạng “dịch thuật”, muốn phát triển việc dịch thuật nói chung và dịch văn học nói riêng theo một định hướng cụ thể. Với chủ trương “xã hội hóa” phát triển dịch thuật bằng cách huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân, Quỹ sẽ tài trợ cho các dịch giả, các nhà xuất bản trong quá trình dịch các tác phẩm có giá trị. Ông Chu Hảo, giám đốc NXB Tri Thức, đã giới thiệu về Tủ sách Tinh hoa Tri thức thế giới. Ông cho biết NXB TT đang và sẽ dịch một cách có hệ thống các cuốn sách kinh điển mà nhiều nước đã dịch (500-1.000 đầu sách), bao gồm sách triết học, khoa học xã hội, kinh tế học, chính trị học, nhà nước pháp luật... Việc các dịch phẩm Tâm lý học đám đông (Gustave Le Bon), Bàn về tự do (John Stuart Mill), Thế giới như tôi thấy (Albert Einstein) được nhiều độc giả đón nhận và Phê phán lý tính thuần túy (Emmanuel Kant) được giải thưởng “Tinh hoa giáo dục quốc tế” cho tác phẩm dịch của Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh đã đánh dấu thành công bước đầu của định hướng đúng đắn này.
Các dịch giả rất hoan nghênh hướng đi mới của Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh. “Chuyện nhà nước cấp kinh phí là đã cổ”, dịch giả Trịnh Lữ nói, “các nhà xuất bản nên xây dựng mô hình tổ chức dịch thuật bằng nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân như NXB TT đã làm”. Ông Chu Hảo cũng nói rằng NXB TT đã vận động được một số tiền nhất định, sắp tới sẽ vận động tài chính ở Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Có điều, trong lúc vận động, các ông nhận thấy rằng các doanh nhân rất sẵn sàng ủng hộ cho những phong trào xóa đói giảm nghèo, trợ giúp thiên tai, nhưng họ lại không nhiệt tình tài trợ cho phát triển dịch thuật(!) Đúng là giải quyết những khó khăn cấp bách là đương nhiên và rất đáng hoan nghênh, nhưng xét về tầm quan trọng của dịch thuật, thì cũng cần coi phát triển dịch thuật là phát triển bền vững và phải được đầu tư đúng mức.
Nói về phát triển dịch thuật, dịch giả Thúy Toàn cho rằng không nên chỉ chú trọng làm giàu cho nước ngoài bằng cách dịch các tác phẩm nước ngoài ra tiếng Việt mà thôi, điều quan trọng là chúng ta phải tìm cách giới thiệu được các tác phẩm văn học hay của Việt Nam ra thế giới. Có thể nói tìm được những người dịch ngược giỏi quả là khó như đãi cát tìm vàng, nhưng theo ông Thúy Toàn, chúng ta có thể học theo người Nga, đó là các nhà xuất bản có hẳn chuyên gia nước ngoài để chuyên dịch và giới thiệu văn học Nga ra thế giới.
Nhà văn Văn Tùng tán thành đề xuất của dịch giả Đoàn Tử Huyến, chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm Đông Tây, về việc biên soạn một cuốn sách lý luận dịch thuật gọi là Sổ tay dịch thuật, nói về lịch sử, lý luận và kĩ thuật dịch thuật, nhằm truyền đạt lại kinh nghiệm cho những người kế tục nghiệp dịch sau này. “Ngoài ra cuốn sách cần truyền bá dịch thuật”, dịch giả Ngô Tự Lập thêm vào. Ông Đoàn Tử Huyến cũng kêu gọi các dịch giả, độc giả trong và ngoài nước gửi bài vở chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến để việc biên soạn cuốn sách được thành công thực sự.
Chú trọng phát triển dịch thuật còn thể hiện qua việc mở rộng kết nạp hội viên Hội dịch thuật cả trong và ngoài nước và kêu gọi các dịch giả tự giới thiệu và gửi dịch phẩm xuất sắc của mình đến Hội Nhà văn Hà Nội để xét trao giải thưởng văn học dịch hàng năm, cũng như việc tái bản có bổ sung cuốn Những người dịch văn học Việt Nam trong thời gian tới.
Cần coi trọng công tác biên tập
Khi được hỏi ý kiến, dịch giả Lê Quang đã nói đến một “khiếm khuyết của làng xuất bản Việt Nam” hiện nay là vị trí của biên tập viên và công tác đào tạo biên tập viên chưa được coi trọng. Sự thất bại đến nỗi bị gọi là “thảm họa dịch thuật” của dịch phẩm Mật mã Da Vinci (bản dịch này sau đó đã được Dương Tường hiệu đính và tái bản) có thể cho thấy trình độ ngoại ngữ non kém của người biên tập sách văn học nước ngoài. Ông Lê Quang nói rằng ở nước ngoài, rất nhiều tác phẩm ra đời và thành danh được là nhờ công sức của người biên tập. Nhìn vào mức lương của biên tập viên hiện nay (300.000 đồng/300 trang sách), thì theo ông, các nhà xuất bản nên ưu đãi hơn với các biên tập viên. “Công tác biên tập không được coi trọng đúng mức là một trong những lý do khiến sách kém chất lượng”, ông kết luận.
Chỉ còn chờ “vật chất”
Sự tham gia đông đảo của đội ngũ dịch giả tại Hội nghị Những người Dịch Văn học lần thứ nhất tại Phú Yên năm 2004, dự định tổ chức hội nghị lần thứ hai vào năm nay của những người tâm huyết với nghề dịch và sự có mặt đầy đủ các dịch giả danh tiếng tại cuộc Gặp mặt Đầu xuân 2007 cho thấy rằng phát triển dịch thuật chất lượng cao đã có được “lực lượng tinh thần cao" (Trịnh Lữ). Vấn đề ở đây là hi vọng việc phát triển dịch thuật sẽ được sự ủng hộ trên quy mô rộng của nhà nước, các tổ chức, cá nhân, nhất là về mặt tài chính, để nền dịch thuật Việt Nam ngày càng góp phần đáng kể vào phát triển đất nước như Nhật Bản, Trung Quốc và các nước khác đã làm được.
Kiều Diệp