Dịch bệnh thế nào cũng phải duy trì sản xuất an toàn

- Thứ Hai, 27/09/2021, 05:06 - Chia sẻ
Tại hội nghị đối thoại trực tuyến với Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 26.9, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với quan điểm: không thể khống chế dịch tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp. Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ bảo vệ, hỗ trợ duy trì sản xuất an toàn; cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện của mình.
Doanh nghiệp muốn được tự xét nghiệm Covid cho người lao động
Nguồn: ITN

Cho doanh nghiệp tự xét nghiệm, tự điều trị

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, do đại dịch Covid, bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang suy giảm mạnh ở quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, 8 tháng năm nay có trên 85.000 doanh nghiệp, tức hơn 10% số doanh nghiệp cả nước, rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Đằng sau mỗi doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là sự mất mát về sinh kế, nguồn sống của người lao động và sự suy giảm của nền kinh tế. Theo khảo sát của VCCI trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Kết quả khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh và giãn cách xã hội cho thấy, một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng.

Chủ tịch VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng "phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp". Thay vì dồn toàn lực tập trung cho phòng chống dịch bệnh, cả nước cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế. 

Trên cơ sở này, Chủ tịch VCCI đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề xuất 2 chủ trương. Một là, nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid - 19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. “Cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp”. Hai là, kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch. “Dù Covid - 19 có diễn ra thế nào cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn”. 

Tháng 10, trình Chính phủ chương trình phục hồi kinh tế

Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đang gấp rút hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế bền vững tới năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, để trình Chính phủ vào tháng tới. Ông cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh sớm nhất; giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm trình Chính phủ nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch; Bộ Công thương đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức 10 - 30%...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã sát cánh, chia sẻ, đóng góp, cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong phòng, chống dịch và nỗ lực duy trì, phát triển kinh tế - xã hội. Ông cho biết, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng hướng dẫn tạm thời để thực hiện chủ trương chuyển trạng thái từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid - 19”. Tuy nhiên, do chính sách có phạm vi rộng lớn, song lại khoanh hẹp đến tận phường, xã, thị trấn, thậm chí đến tổ dân phố, ấp, bản, thôn và tác động tới toàn bộ các đối tượng là nhân dân, doanh nghiệp… nên phải có bước đi thận trọng, chắc chắn, rõ đến đâu làm đến đó, vừa làm vừa bổ sung, sơ kết, đúc rút kinh nghiệm rồi hoàn thiện dần. 

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng xây dựng kịch bản phục hồi nền kinh tế; đồng thời, bản thân doanh nghiệp cũng cần xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh cho mình để chủ động, sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới. Các địa phương tăng cường phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương để đổi mới cách làm, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất để doanh nghiệp ổn định lại sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động hỗ trợ, thu hút lao động quay trở lại... Quan trọng nhất là phải chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. 

Đối với các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với doanh nghiệp trên tinh thần "3 không" (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm) và "5 thật" (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật). Trên cơ sở đó, các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xử lý, trên tinh thần áp dụng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp; tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền trên quan điểm “lợi ích thì hài hòa; rủi ro thì chia sẻ”. 

Tiểu Phong