Đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16.6.2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: "Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa" là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện "Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân".
Với tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao như tỉnh Đồng Nai, việc lập Quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa là định hướng xuyên suốt trong xây dựng và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2030 theo mục tiêu của Nghị quyết số 19. Theo đó, tính đến cuối năm 2023, Quy hoạch chung của 102/104 xã trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt (đạt tỷ lệ 98,08%) trên cơ sở đồng nhất các quy hoạch trên địa bàn xã đã từng bước nâng cao chất lượng quy hoạch tại địa phương làm cơ sở quản lý công tác đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Quy hoạch xây dựng nông thôn không chỉ là nhằm định hướng phát triển khu vực nông thôn mà còn là tiền đề cho quá trình phát triển đô thị sau này.
Một số xã nông thôn có định hướng phát triển đô thị như: Phú Lâm (huyện Tân Phú), Phú Túc, La Ngà (huyện Định Quán)… hoặc các xã có vị trí giáp ranh các đô thị lớn như: xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu); xã Hố Nai 3, xã Bình Minh, xã Bắc Sơn, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom); xã An Phước (huyện Long Thành)… là các xã có vị trí giáp đô thị, được thừa hưởng các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật kế cận nên việc xây dựng nông thôn mới được chú trọng hơn.
Về hạ tầng giao thông, đơn cử huyện Xuân Lộc, đến nay 100% xã đều có đường nhựa đến trung tâm xã và kết nối đến trung tâm huyện; 100% đường huyện quản lý, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; các tuyến đường còn lại có tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa cao, tạo sự kết nối sâu rộng và nâng cao mức hưởng thụ của người dân. Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất 100%, đạt chuẩn quốc gia 100% (65/65 trường). Hệ thống thiết chế văn hóa, mạng lưới thông tin truyền thông, y tế đạt chuẩn, đã cơ bản đáp ứng tốt các nhu cầu về dạy - học, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tiếp cận thông tin và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Huyện Cẩm Mỹ là một trong những địa phương đặt mục tiêu về đích huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Đầu tư đường giao thông nông thôn được địa phương tập trung nguồn lực thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 184km đường giao thông nông thôn do huyện quản lý đã nhựa hóa - bê tông hóa. Tuy nhiên, về tiêu chí đường giao thông do huyện đầu tư, huyện chỉ mới đạt 47,9%, trong khi yêu cầu phải đạt 100%.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng, huyện sẽ tiếp tục tập trung rà soát lại, những tuyến đường có khả năng đầu tư thì sẽ triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025; những tuyến không thể thực hiện ngay thì huyện sẽ chuyển vào giai đoạn sau (2026 - 2030).
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại
Cũng quan trọng không kém cạnh giao thông, có thể nói, thủy lợi cũng được xem là “cái gốc” để phát triển nông nghiệp bền vững. Bởi thủy lợi phát triển sẽ góp phần rất lớn trong sản xuất thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, cùng với đó hệ thống thủy lợi chống ngập úng trong mùa mưa bão, đặc biệt là phòng, chống hạn hán. Theo ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi Cục trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 24 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ. Tổng năng lực phục vụ tưới hàng năm đạt trên 50.800ha; tiêu thoát và ngăn mặn cho hơn 9.300ha.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) tỉnh thông tin, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp, mở rộng các công trình thủy lợi kết hợp giao thông nội đồng phục vụ đa mục tiêu. Đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi có trọng tâm, trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai 36 dự án thủy lợi. Chú trọng công tác quản lý vận hành sau đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, khai thác từng bước hiện đại hóa công tác quản lý vận hành công trình. Khuyến khích kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới, cấu kiện mới và công nghệ hiện đại trong xây dựng công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ quan và cảnh quan công trình.
Về đầu tư cho hạ tầng thương mại nông thôn, đặc biệt là chợ truyền thống, là một trong những tiêu chí quan trọng trong phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng rất chú trọng đến tiêu chí này vì phục vụ cho nhu cầu đời sống thiết yếu của dân cư nông thôn, đồng thời là kênh phân phối, tiêu thụ nông sản. Tính đến nay, toàn tỉnh có 166 chợ đang hoạt động với hơn 20.000 hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 18.000 hộ kinh doanh thường xuyên, ổn định.