Trên dưới đồng lòng, chủ động, sáng tạo

Việt Anh 15/06/2023 19:18

Đồng Nai là địa phương đứng đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã đặt ra những mục tiêu cụ thể, sát với điều kiện thực tế của địa phương và huy động mọi nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kết quả đạt được thể hiện sự đoàn kết, trên dưới một lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Nai trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Tỉnh chủ động, sáng tạo

Năm 2014, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước có đơn vị cấp huyện “về đích” trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, Đồng Nai tiếp tục là một trong 2 tỉnh dẫn đầu cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và “về đích” trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Với 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019, Đồng Nai cũng đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới nâng cao. Từ những thành tích đạt được, Đồng Nai đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích trong phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020.

Người dân cùng nhau góp sức xây dựng đường nông thôn mới.
Người dân cùng nhau góp sức xây dựng đường nông thôn mới. Nguồn: ITN

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Đồng Nai luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tỉnh cũng rất chủ động, sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đột phá để huy động được mọi nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới.

Song phải kể đến nông dân tỉnh Đồng Nai đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua phát triển sản xuất, làm giàu, nhất là hỗ trợ các hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Trong năm 2022, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận động được trên 29 tỷ đồng tiền mặt, gần 9.500 ngày công lao động, 11 tấn phân bón, hơn 6.500 lít thuốc bảo vệ thực vật, gần 154,4 tấn lương thực, gần 8,3 tấn hạt giống giúp đỡ cho gần 2.000 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNN) tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ thông tin, sau đại dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp của tỉnh giữ vững được đà tăng trưởng, GRDP nông lâm thủy sản năm 2022 ước đạt 22,7 ngàn tỷ đồng, tăng 3,86%, cao nhất trong 5 năm gần đây, cao hơn bình quân chung cả nước và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, đóng góp 9,28% giá trị trong tổng GRDP toàn tỉnh; tỷ lệ che phủ rừng 28,7%, góp phần ổn định tỷ lệ che phủ cây xanh 52%.

Ngoài ra, có 4 chỉ tiêu vượt mục tiêu nghị quyết bao gồm: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (3,94%), số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (31 xã), nông thôn mới kiểu mẫu (13 xã), tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn (82,65%).

Căn cứ trên tình hình thực tế của tỉnh, Sở NN -  PTNT Đồng Nai cũng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, như: tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình số 08/CTr-UBND ngày 21.7.2022 về hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022; tổ chức 7 lớp tập huấn, tuyên truyền theo Đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai.

Sở NN - PTNT cũng xây dựng tài liệu quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), kế hoạch và khung chương trình đào tạo giảng viên IPM (TOT-IPM) trên các cây trồng chủ lực của tỉnh; tổ chức hội nghị tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã về xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đối với sản phẩm sầu riêng; triển khai, hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình kỹ thuật giảm chi phí vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) trong bối cảnh vật tư đầu vào tăng cao.

Nhân dân đồng thuận, nỗ lực

Kết quả sơ kết Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh (giai đoạn 2016 - 2021) tại Đồng Nai cho thấy trong 5 năm triển khai, toàn tỉnh đã huy động được hơn 2,2 ngàn tỷ đồng, trong đó quỹ vì người nghèo các cấp vận động hơn 132 tỷ đồng; xây mới hơn 1,4 ngàn căn nhà tình thương và sửa chữa 265 căn.

Ban vận động các ấp, khu phố đã vận động Nhân dân đóng góp hơn 300 tỷ đồng, gồm hiến đất, ủng hộ ngày công, vật tư… làm mới, nâng cấp và sửa chữa hơn 6 nghìn km đường giao thông liên ấp, giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương, 100% khu dân cư xây dựng được hương ước, quy ước, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội; toàn tỉnh có 51 mô hình được thành lập và hoạt động hiệu quả…

Cũng theo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020, toàn tỉnh Đồng Nai giảm được 8,57% tỷ lệ hộ nghèo, tương ứng 55.726 hộ và giảm được 1,75% tỷ lệ hộ cận nghèo, tương ứng 12.520 hộ. Để có thành quả đáng ghi nhận như trên là nhờ sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, đặc biệt là sự cố gắng vươn lên của từng hộ nghèo.

Song, qua đó để thấy sự giao thoa, lồng ghép giữa hai chương trình mục tiêu quốc gia đã có những hiệu quả, chuyển biến tích cực góp phần nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Các đề án phát triển vùng trồng lớn, chăn nuôi tập trung, phát triển cây ăn quả phục vụ cho chế biến sâu và xuất khẩu… đã phát huy hiệu quả. Diện tích cây ăn quả khoảng 76.650ha, tăng 4,37% so năm 2021 gồm một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, giá bán ổn định, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại các huyện như Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu và TP. Long Khánh, cụ thể sản lượng đối với các loại cây trồng chính, như: xoài 112.877 tấn, tăng 0,03%; chuối 191.499 tấn, tăng 38,2%; thanh long 18.323 tấn, tăng 5,77%; bưởi 89.432 tấn, tăng 21,1%; chôm chôm 170.214 tấn, tăng 2,29%; sầu riêng 50.208 tấn so với năm trước.

Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua cũng giúp nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn, giải quyết thêm việc làm hàng nghìn lao động, trong đó có lao động thuộc đối tượng hộ nghèo. Mục tiêu năm 2023, tốc độ giá trị sản xuất nông lâm thủy sản Đồng Nai tăng từ 3 - 3,5%; tốc độ GRDP nông lâm thủy sản tăng từ 2,8 - 3,2%. Đồng thời toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2 huyện hoàn thành NTM nâng cao, vượt chỉ tiêu mục tiêu theo nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; ổn định tỷ lệ che phủ cây xanh 52%, trong đó tỷ lệ che phủ rừng 28,3%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia 83,5%.

Để thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM, năm 2023, tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai thực hiện hiệu quả 6 chương trình chuyên đề trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của tỉnh. Đồng thời, lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án khác, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chương trình MQTG giảm nghèo bền vững để đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái nông thôn, nhằm nâng cao giá trị, tạo phát triển bền vững cho khu vực nông thôn của tỉnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trên dưới đồng lòng, chủ động, sáng tạo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO