Trưởng thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc - Lò Sì Páo:
Người Lô Lô không bị bỏ lại phía sau
Điều khiến chúng tôi cảm kích là Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Lô Lô nói riêng. Dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước vẫn dành cho chúng tôi sự quan tâm đặc biệt nên người Lô Lô nguyện đoàn kết một lòng đi theo Đảng.
Nhớ lại nhiều năm trước, người Lô Lô khổ lắm! Khi được cán bộ tuyên truyền vận động vay vốn phát triển kinh tế, không ai dám vay. Nếu có vay, cũng không phát huy được hiệu quả; việc sử dụng vốn và trả lãi thường xuyên không đúng hẹn, không đúng mục đích. Nhưng bây giờ thay đổi rồi. Nếu đồng bào Lô Lô thiếu vốn, Nhà nước hỗ trợ vốn. Nếu không biết cách làm ăn, cán bộ đến chỉ cách chăn nuôi, trồng trọt. Bà con vừa có vốn vay lãi suất thấp, vừa được tặng bò, nhờ đó đã từng bước thoát khỏi khó khăn về kinh tế, tập trung hướng con cháu mình đi học để mở rộng kiến thức, góp phần xây dựng quê hương.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 18/18 xã, thị trấn và 100% thôn, bản, tổ dân phố. Đến 31.5.2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Mèo Vạc đạt 465,073 tỷ đồng, tăng 294,269 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với 8.922 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 17%. Tổng doanh số cho vay từ khi có Chỉ thị 40 đến nay đạt 982,139 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Mèo Vạc - Hầu Thị Phương:
Mong có nhiều hơn các chính sách hỗ trợ
Một trong những hạn chế của đồng bào DTTS nói chung và người dân Mèo Vạc nói riêng là tâm lý ngại vay vốn, sợ nợ. Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền vận động, cho bà con tham quan các tổ về nghề nghiệp, chuỗi phát triển kinh tế; đồng thời, lan tỏa những tấm gương về phụ nữ làm kinh tế giỏi để các hộ mạnh dạn vay vốn và tiến tới giảm nghèo. Đến nay, Hội đang quản lý số vốn trên 124 tỷ đồng với 64 tổ vay vốn và 3.737 hộ vay.
Hội cũng tổ chức rất nhiều mô hình giúp nhau làm kinh tế. "Hội phụ nữ liên kết phát triển kinh tế" là một ví dụ. Trong đó, có rất nhiều mô hình kinh tế như nuôi bò, dệt thổ cẩm của người Lô Lô, Tày, Giáy… Bên cạnh việc động viên, xây dựng các mô hình điểm, gương làm kinh tế giỏi, Hội cũng tổ chức giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc sử dụng các nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ của NHCSXH mà còn các nguồn khác để phát huy hiệu quả tốt nhất cho hội viên và nhân dân trên địa bàn.
Sau nhiều năm cả hệ thống chính trị và người dân cùng nhau khắc phục khó khăn, tìm hướng đi trong phát triển kinh tế xã hội, cuộc sống của người dân trên địa bàn đã có nhiều cải thiện về cả tư duy lẫn năng suất làm việc. Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 về nâng cao sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, kinh tế, xã hội của huyện đã có bước tiến rõ rệt.
Song, Mèo Vạc vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước, cơn lũ vừa qua là một ví dụ. Tôi mong rằng, Chính phủ sẽ có nhiều hơn nữa những chính sách, những nguồn vốn ưu đãi có điều kiện để tiếp tục tạo ưu thế cho các huyện vùng cao, trong đó có Mèo Vạc phát triển.
Hộ vay vốn Vừ Thị Mai:
Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và cán bộ tín dụng lắm lắm!
Tôi và gia đình có cuộc sống khá giả như hôm nay là nhờ sự hỗ trợ, động viên, hướng dẫn của rất nhiều cán bộ. Trong đó, nguồn vốn 50 triệu đồng từ chương trình Cho vay hộ nghèo của NHCSXH Mèo Vạc là động lực chính, là chiếc “cần câu” đặc biệt giúp tôi thay đổi cả về nhận thức lẫn cách thức thoát nghèo.
Tôi - từ một phụ nữ quanh năm chỉ biết cắm cúi chỉa ngô, cấy lúa, sống tạm bợ bữa no, bữa thiếu; một người nhút nhát không dám đến chỗ đông người… Nhưng, cán bộ tín dụng, cán bộ Hội Phụ nữ đã kiên trì động viên tôi vay vốn, hướng dẫn tôi cách đầu tư chăn nuôi, trồng trọt; cùng tôi vượt hết khó khăn này đến khó khăn khác. Và anh chị thấy đấy, Vừ Thị Mai tôi đã khác hẳn, năng động hơn, tự tin hơn, biết cách kinh doanh hơn và biết cả cách chăm sóc bản thân nữa…
Cả đời này, tôi sẽ không quên được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và các cán bộ tín dụng!
Nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH Mèo Vạc đã giúp trên 10.683 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1.272 lao động; xây dựng 398 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; 311 căn nhà ở cho hộ nghèo, 4.499 hộ gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo... Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện, giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 36,02% (từ 66,01 xuống còn 29,99%); giai đoạn 2022 - 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 12,78% (từ 64,07% xuống còn 51,29%).