Lương thực thực phẩm là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm được ưu tiên phát triển của TP. Hồ Chí Minh, chiếm 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Hiện nay ngành lương thực thực phẩm Thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực thực phẩm giai đoạn 2020 – 2030, trong năm 2023, 11/11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình đã được triển khai với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo UBND Thành phố; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, thành viên Hội đồng Phát triển ngành công nghiệp thực phẩm Thành phố.
Nhiều chương trình về xúc tiến, thương mại, quảng bá như hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước đã giúp doanh nghiệp phần nào vượt qua khó khăn dưới tác động của các cuộc xung đột và giảm cầu trên toàn thế giới.
Các lớp đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp và người lao động được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong ngành.
Lãnh đạo Thành phố và các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại, chủ động nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, thông qua việc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp hỗ trợ thuộc chương trình, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nhanh chóng khôi phục hoạt động sau thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh vào các tháng cuối năm 2021.
Tuy nhiên, năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, diễn biến khó lường do biến động chính trị và xung đột xảy ra nhiều nơi. Tình trạng giảm cầu, đơn hàng xuất khẩu giảm tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Mỹ,... đã ảnh hưởng đến ngành chế biến lương thực thực phẩm của Thành phố. Chưa có cơ chế chính sách riêng hỗ trợ về mặt bằng đất đai, vốn vay dài hạn, lãi suất và thuế ưu đãi,… do đó khó thu hút, kêu gọi nhà đầu tư vào hệ thống kho lạnh, kho dự trữ bảo quản cho ngành chế biến lương thực thực phẩm.
Trong thời gian tới, Thành phố sẽ bổ sung, hoàn thiện danh sách doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành chế biến lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 và tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ theo quy định.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác hỗ trợ đào tạo, ứng dụng các giải pháp công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cho ngành chế biến lương thực thực phẩm. Trong đó, tập trung tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho người lao động; tư vấn cải tiến nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý chuyên ngành,…
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ đề án phát triển hệ thống kho lạnh, kho dự trữ bảo quản cho ngành chế biến lương thực thực phẩm. Ngoài ra, tiếp tục tổ chức liên kết hình thành vùng nguyên liệu cho chuỗi sản xuất của ngành chế biến lương thực thực phẩm; tiếp tục triển khai Đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư ngành chế biến lương thực - thực phẩm vào các khu chế xuất.