Tại Lễ Ký kết, đại diện 4 đơn vị là Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động và BHXH TP. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc ký kết giữa 4 cơ quan, đơn vị trên địa bàn trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, bày tỏ sự cần thiết của việc ký kết “4 bên” trong giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, BHXH, Công đoàn tại các doanh nghiệp, với mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền lợi về tiền lương, BHXH… cho người lao động
Trên cơ sở đó, Lãnh đạo 4 cơ quan, đơn vị đã đồng thuận ký kết phối hợp công tác với các nội dung chính gồm: Phối hợp triển khai, hướng dẫn các Nghị định Chính phủ và Thông tư của Bộ, ngành thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và những quy định pháp luật khác có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, người lao động.
Định kỳ 6 tháng hoặc khi có yêu cầu của các bên, tổ chức họp để trao đổi thông tin tình hình lao động, việc làm tại doanh nghiệp, tình trạng doanh nghiệp nợ quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp kịp thời phân công cán bộ làm việc với doanh nghiệp chấn chỉnh những vi phạm về thực hiện chế độ chính sách cho người lao động, góp phần phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công xảy ra.
Sau ký kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật BHXH... Song song với đẩy mạnh việc tổ chức “Tư vấn pháp luật lưu động” cho công nhân, lao động tại doanh nghiệp có đông công nhân, lao động; khu lưu trú, nhà trọ kịp thời nắm bắt thông tin từ người lao động, giải đáp những vướng mắc của công nhân, lao động khi thực hiện chế độ chính sách có liên quan…
Theo đại diện BHXH TP. Hồ Chí Minh, quy chế là tiền đề giúp sự phối hợp giữa các đơn vị được nâng cao. Đặc biệt là với cơ quan BHXH luôn xác định “muốn đi được xa thì phải đi cùng nhau”, và giải pháp này cần nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay”. Trong chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Quy chế, cơ quan BHXH sẽ cố gắng triển khai tốt nhất công tác phối hợp.
Cụ thể, tăng cường phối hợp với cơ quan, ban ngành, báo, đài tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai lao động - bệnh nghề nghiệp giúp cho người lao động hiểu được quyền và lợi ích khi tham gia, đặc biệt các quyền lợi khi hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT; quyền lợi lâu dài như hưu trí, tử tuất; những thiệt thòi khi nhận trợ cấp BHXH một lần.
Cơ quan BHXH cũng sẽ chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình nợ đọng quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp và cung cấp danh sách doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để phối hợp đôn đốc các doanh nghiệp đóng đầy đủ cho người lao động. Đồng thời, có biện pháp xử lý kịp thời tránh xảy ra ngừng việc tập thể, đình công, chủ doanh nghiệp bỏ trốn.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác hòa giải các tranh chấp về lao động, BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh hoạt động phối hợp hỗ trợ pháp lý cho người lao động khi có tranh chấp về BHXH, BHYT. Phối hợp kiểm tra, xác minh khi có khiếu nại của người lao động về các quyền lợi BHXH, BHYT nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng.
Bên cạnh đó, phối hợp xem xét, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật lao động và BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp…