Thường Tín lan tỏa thương hiệu sản phẩm
Đến nay, huyện Thường Tín đã có 152 sản phẩm OCOP được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng gồm: 140 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao. Với mục tiêu lan tỏa thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương, huyện đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng hành cùng các chủ thể mở rộng thị trường, đa dạng các hình thức tiêu thụ.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Trên địa bàn huyện Thường Tín hiện có 11 cụm công nghiệp với hàng nghìn doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Huyện có 126 làng nghề, trong đó, 49 làng nghề đã được TP. Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm đặc sắc, được người tiêu dùng ưa chuộng. Toàn huyện cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có 15 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp.
Từ những tiền đề, lợi thế nổi trội trên, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu. Hàng năm, huyện tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm nêu bật vai trò của chương trình OCOP gắn với xây dựng NTM nâng cao; khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân khai thác hiệu quả lợi thế của sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề đặc trưng để đăng ký tham gia Chương trình OCOP... Đặc biệt, chỉ đạo xây dựng thương hiệu ở nhóm thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ là những sản phẩm thế mạnh, đã có thương hiệu… Đến nay, toàn huyện đã có 152 sản phẩm được UBND TP. Hà Nội đánh giá, phân hạng OCOP, gồm: 140 sản phẩm đạt 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao.
Từ khi được triển khai đến nay, Chương trình OCOP đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở) - đơn vị đang sở hữu 30 sản phẩm rau OCOP 4 sao cho biết: Chương trình OCOP đã giúp nông sản của HTX khẳng định chất lượng trên thị trường, được kết nối để tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các điểm bán hàng OCOP trong và ngoài thành phố. Hiện, HTX đã xây dựng khu sản xuất rau công nghệ cao với diện tích 1,15ha, sản lượng cung cấp ra thị trường 300kg rau/ngày, 100% sản phẩm đều được dán mã QR code. Doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập ổn định từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng.
HTX Rau an toàn Hà Hồi (xã Hà Hồi) cũng là một mô hình tiêu biểu trong chương trình OCOP của huyện Thường Tín. Với diện tích canh tác khoảng 22ha, HTX đã tập trung trồng các loại rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Được sự quan tâm của TP. Hà Nội và huyện Thường Tín, xã Hà Hồi đã đầu tư 38 tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế, hệ thống cấp nước sạch và hoàn thiện giao thông nội đồng phục vụ việc sản xuất. Hiện, trung bình mỗi ngày HTX cung ứng cho thị trường từ 15 - 20 tấn rau các loại; các sản phẩm đều đã được chứng nhận đạt từ 3 - 4 sao OCOP. Nhờ mở rộng liên kết, hợp tác với hệ thống phân phối, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn Thủ đô, các sản phẩm rau, mộc nhĩ, nấm sò của HTX đang được tiêu thụ khá thuận lợi.

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá
Thực tế tại huyện Thường Tín, những mô hình như của HTX Rau an toàn Hà Hồi và HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đang ngày một phổ biến. Trưởng phòng Kinh tế huyện Từ Đức Mạnh cho biết, việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với các chuỗi liên kết được địa phương đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao giá trị cho nông sản. Huyện đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn. Hầu hết đều mang lại sản phẩm chất lượng cao, được Hội đồng thẩm định của TP. Hà Nội đánh giá cao khi xem xét, cấp chứng nhận OCOP.
Song song với phát triển số lượng, nâng cao chất lượng, huyện cũng chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP như: khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng, sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn huyện tại chợ Vồi; kết nối sản phẩm OCOP vào các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các điểm bán hàng OCOP trong và ngoài thành phố; hỗ trợ chủ thể tiếp cận các chuỗi liên kết... Mới đây, huyện đã khai trương thêm một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại xã Hồng Vân. “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kết nối, đưa nhiều sản phẩm OCOP về điểm giới thiệu và bán sản phẩm phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời, phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện để Chương trình OCOP có ý nghĩa thiết thực đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và người tiêu dùng”, ông Mạnh chia sẻ.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí, với quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tiêu chí rõ ràng, việc được công nhận đạt chuẩn OCOP là cơ sở để người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng cũng như độ an toàn của sản phẩm. Điều này cũng đòi hỏi các chủ thể sản phẩm OCOP của huyện Thường Tín nói riêng, toàn thành phố nói chung phải duy trì chất lượng ổn định và thường xuyên đổi mới bộ nhận diện. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Chương trình OCOP của huyện Thường Tín sẽ tiếp tục đạt được những kết quả mới, góp phần thực hiện mục tiêu đưa huyện Thường Tín đạt chuẩn NTM nâng cao.
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội)