Cùng với đó, Thái Nguyên thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp, tập trung phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh và các sản phẩm lợi thế, đặc sản của địa phương để tăng thu nhập cho người dân.
Những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM
Thời gian qua, chung sức xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh, thu hút sự tham gia của toàn xã hội với những cách làm sáng tạo.Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM; 11 xã NTM nâng cao; 4 xã NTM kiểu mẫu; huyện Đại Từ được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, huyện Định Hóa đã trình Trung ương xem xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Như vậy, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 118/126 xã NTM, đạt tỷ lệ 93,7%. Các huyện, thị cũng đặc biệt chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình xóm NTM kiểu mẫu, xóm NTM thông minh, đưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Điểm nổi bật trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh là việc khơi dậy sức dân cùng tham gia, thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Người dân chủ động giám sát trong việc thực hiện các nội dung từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, nghiệm thu kết quả và sử dụng, như: đường giao thông, nhà văn hoá, kênh mương... Từ đó, tạo động lực, sự tin tưởng để nhân dân toàn tỉnh cùng chung tay, góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.
Toàn tỉnh đã phát động 462 cuộc ra quân hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” với trên 260.870 lượt người tham gia, vận động người dân hiến trên 81,8 ha đất và tải sản trên đất, kinh phí huy động xã hội hoá đạt trên 86,4 tỷ đồng. Mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên trong năm 2024 là có ít nhất 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Đồng thời tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các địa phương đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Nông nghiệp chuyển dịch tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng
Thái Nguyên xác định nhiệm vụ trọng tâm phát triển nông nghiệp là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường.
Tỉnh đã xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp; rà soát, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để đầu tư phát triển; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, đạt chuẩn OCOP, mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo định hướng đó, cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển dịch tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế về sản xuất và thị trường tiêu thụ. Tỉnh tập trung phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh và các sản phẩm lợi thế, đặc sản của địa phương. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Đặc biệt, cây chè tiếp tục khẳng định là cây trồng chủ lực, thế mạnh của Thái Nguyên, diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm trà đứng đầu cả nước, sản lượng chè búp tươi năm 2023 đạt 267,5 nghìn tấn, bằng 102% kế hoạch, tương đương 53,5 nghìn tấn chè búp khô, giá trị từ sản xuất chè đạt khoảng 12,3 nghìn tỷ đồng. Hầu hết diện tích chè đã được trồng, sản xuất, chế biến theo quy trình sạch, đóng gói hút chân không mẫu mã đẹp, có thương hiệu và là sản phẩm OCOP nên được bán trên các sàn giao dịch điện tử hoặc tại cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại…, giá trị gia tăng cao hơn trước.
Cây chè đang là cây làm giàu cho các hộ gia đình nông dân và các HTX. Khi nhắc đến Thái Nguyên, sản phẩm hàng đầu đó là chè Thái Nguyên với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như: Chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên); Chè La Bằng (Đại Từ); Chè hữu cơ Sông Cầu; Trại Cài (Đồng Hỷ); Làng nghề chè Vô Tranh - Tức Tranh (Phú Lương)….
Thái Nguyên cũng phát triển một số vùng sản xuất lúa đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, có thương hiệu sản phẩm, với tổng diện tích đạt 67,5 nghìn ha, tập trung ở các xã Tân Đức (Phú Bình); Minh Lập (Đồng Hỷ); Minh Đức (TP. Phổ Yên) thu hút doanh nghiệp phát triển liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa gạo. Ngoài ra còn vùng sản xuất cây ăn quả như vùng trồng na ở các xã La Hiên, Phú Thượng (Võ Nhai); vùng sản xuất bưởi ở xã Tiên Hội (Đại Từ)…
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP
Việc phát triển các sản phẩm OCOP được Thái Nguyên xem là giải pháp quan trọng để các sản phẩm nông sản, sản phẩm lợi thế của tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã chủ động ban hành các Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP với các chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, điểm giới thiệu và bán sản phẩm... Đây là động lực thôi thúc các chủ thể phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật cho nên ngày càng có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Năm 2023, Thái Nguyên có thêm 68 sản phẩm mới đủ điều kiện đánh giá, xếp hạng từ 3 - 4 sao trở lên. Trong đó 60 sản phẩm 3 sao do cấp huyện công nhận, 8 sản phẩm 4 sao trình UBND tỉnh công nhận. Như vậy, qua hơn 4 năm, tổng số sản phẩm đã được xếp hạng OCOP từ 3 - 5 sao trên địa bàn tỉnh là 240 sản phẩm gồm: chè, gạo, mỳ gạo, thịt hươu sấy khô, cao ngựa bạch, na, miến… Có 3 sản phẩm Chè đinh, Chè tôm nõn của Hợp tác xã Chè Hảo Đạt và sản phẩm Du lịch văn hóa dân tộc Tày Bản làng Thái Hải của Công ty TNHH Thái Hải Thái Nguyên đủ điều kiện trình Trung ương xem xét, đánh giá, phân hạng 5 sao OCOP.
Thái Nguyên là vùng đất có tiềm năng du lịch, hội tụ nhiều di sản văn hóa, với 277 làng nghề, làng nghề truyền thống và 240 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao. Đây chính là tài nguyên để tỉnh Thái Nguyên phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Nắm bắt cơ hội này, tỉnh gắn phát triển sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030 đã xác định “Phấn đấu đưa du lịch Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc, sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hoá Trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao”.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã hình thành nhiều khu, điểm tham quan du lịch với các dịch vụ trải nghiệm thu hút đông đảo du khách, tạo ra giá trị kinh tế cao như khu Du lịch văn hóa dân tộc Tày Thái Hải (sản phẩm đạt OCOP 4 sao), điểm du lịch Bản Quyên (Định Hóa), điểm du lịch thác 7 tầng xóm Khe Cạn (Đồng Hỷ)…Không gian trưng bày và trải nghiệm chế biến chè truyền thống của HTX chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên), HTX chè La Bằng (Đại Từ), HTX du lịch cộng đồng Ghềnh Chè (TP. Sông Công), điểm du lịch Thác Ngao của HTX Quân Chu (Đại Từ).
Thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của các địa phương, nhất là dược liệu, dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm để có giá trị gia tăng cao hơn, làm giàu cho người dân để cùng góp phần xây dựng NTM giàu đẹp hơn.