Theo thông tin công bố Chỉ số PAPI năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đạt 45,7875 điểm, nằm trong nhóm cao, đứng thứ 2 toàn quốc, sau tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó có 6/8 chỉ số được xếp vào nhóm cao nhất là: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị điện tử. Đáng chú ý, chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt số điểm cao nhất toàn quốc, với 5,9081 điểm.
So với năm 2022, năm nay, Thái Nguyên có sự cải thiện vượt bậc về điểm số, tăng 2,7775 điểm (năm 2022, Chỉ số PAPI của tỉnh đạt 43,01 điểm). Qua đó, thể hiện nỗ lực của các cấp, ngành trong chỉ đạo, điều hành, sự hài lòng của người dân đối với chính quyền.
Chỉ số PAPI là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Năm 2023, 19.536 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên đã tham gia khảo sát PAPI. Trong suốt 15 năm qua, có tới 197.779 lượt người dân trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá chỉ số PAPI từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI từ năm 2009. PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.
Mục tiêu chính của Chỉ số PAPI là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân tại Việt Nam. Chỉ số PAPI cung cấp dữ liệu thống kê hỗ trợ theo dõi và đánh giá hiệu quả của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các nghĩa vụ của các cơ quan công quyền được ghi trong Hiến pháp, pháp luật, quy định và chính sách của Nhà nước. Chỉ số thúc đẩy khả năng đáp ứng, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp, đồng thời góp phần hiện thực hóa các quyền căn bản của con người, bao gồm quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng, bất kể giới tính, dân tộc, mức sống, tình trạng hộ khẩu, mức độ khuyết tật.
Như vậy, dựa trên dữ liệu thực chứng thu thập từ người dân - đối tượng thụ hưởng chính từ nền quản trị công hiệu quả và dịch vụ công có chất lượng qua khảo sát PAPI, các hoạt động nghiên cứu và tư vấn chính sách chuyên đề được thực hiện, nhằm góp phần tìm hiểu những khoảng trống, những điểm nghẽn chính sách cần được bổ khuyết; đổi mới, hướng tới đạt được những mục tiêu trên và góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy công vụ ở Việt Nam.