Cách làm của Quảng Yên
Tại thị xã Quảng Yên, nhận diện nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước đối với trẻ em luôn hiện hữu, thị xã đã xây dựng, triển khai Đề án tổ chức dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh tiểu học, THCS giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030. Sau 2 năm triển khai, Đề án đã đạt những kết quả tích cực. Đặc biệt, các lớp học bơi miễn phí cho học sinh diện đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của phụ huynh và người dân.
Theo đó, toàn thị xã đã phối hợp tổ chức 10 lớp giáo dục kỹ năng sống phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho gần 800 trẻ em ở 10 xã, phường; cắm 392 biển cảnh báo “Khu vực nước sâu nguy hiểm” và hàng rào chắn tại các ao hồ, kênh mương. Các trường học thực hiện lồng ghép nội dung bơi, cứu đuối trong 1.135 tiết học... Hiện, thị xã có trên 8.500 học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 biết bơi (đạt tỷ lệ 53,03%).
Nhằm nâng cao hiệu quả Đề án, ngành giáo dục thị xã đã chỉ đạo các trường đưa môn học bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước vào phần tự chọn của bộ môn Thể dục lớp 4. Triển khai dạy 12 tiết trong giờ chính khóa ở phần tự chọn; 16 tiết dạy ngoại khóa để học sinh hoàn thành khóa học bơi với tổng số 28 tiết bảo đảm đủ thời gian để học sinh lớp 4 biết bơi cấp độ 1. Học sinh được học theo khóa, 20 - 25 học sinh/khóa; mỗi khóa học 14 buổi... Quá trình tổ chức các lớp dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước thường xuyên được kiểm tra giám sát, để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Không chỉ thị xã Quảng Yên, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn đã hết sức quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ, nhất là trong dịp nghỉ hè. Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 7.7.2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 29.5.2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 60% trẻ em từ 6 - 16 tuổi biết bơi an toàn; giảm tỷ lệ đuối nước hàng năm 10%; mỗi xã, phường có ít nhất một bể bơi cho trẻ em.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1382/UBND-VHXH yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện nghiêm chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh về bảo đảm an toàn cho thanh, thiếu nhi, học sinh, nhất là phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước. Trong đó, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, xác định trách nhiệm cho người đứng đầu UBND cấp xã, cấp thôn trong việc tuyên truyền đến các hộ dân về công tác quản lý trẻ em, học sinh, sinh viên, phổ biến các kỹ năng phòng chống đuối nước. Tổ chức cho 100% các hộ dân trên địa bàn ký cam kết quản lý trẻ em, học sinh và phổ biến các kỹ năng phòng, chống đuối nước.
Tổ chức tổng rà soát các địa điểm có nguy cơ xảy ra đuối nước, có biện pháp khắc phục triệt để những tồn tại gây mất an toàn, hạn chế tối đa người dân tiếp cận các khu vực nguy hiểm (bổ sung các biển cảnh báo nguy hiểm, biển cấm tắm ở những nơi không được phép; bổ sung phao cứu sinh dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp. Chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm an toàn của các thiết chế văn hóa, đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi lành mạnh cho trẻ em; thực hiện tốt công tác quản lý học sinh trong dịp hè. Phấn đấu trong mùa hè năm 2024, 100% xã, phường, thị trấn có ít nhất một bể bơi tiêu chuẩn hoặc bể bơi tạm thời, một điểm dạy bơi an toàn cho trẻ em…
Đặc biệt, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì đưa nội dung triển khai, kết quả thực hiện công tác phòng, chống đuối nước của các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện và để xảy ra sự cố đuối nước…