Tăng cường liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Việt Anh 24/12/2022 06:41

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, từng bước khẳng định chất lượng các sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bắc Giang Lê Bá Thành cho biết, định hướng phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới là lấy công nghiệp làm động lực, dịch vụ là điều kiện thúc đẩy và nông nghiệp là trụ đỡ, trong đó, xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và khu vực nông thôn ở địa phương.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã cơ bản phát triển ổn định, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho nông sản đặc trưng chính là lợi thế lớn để Bắc Giang có thêm những sản phẩm OCOP chất lượng và có thể phát triển thành sản phẩm OCOP quốc gia.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bắc Giang, chương trình OCOP của tỉnh đã mang lại kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 138 sản phẩm đạt 3 sao; 84,4% sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 12,8% thuộc nhóm đồ uống, 2,2% thuộc nhóm thảo dược và 0,6% thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng. Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao.

Giai đoạn 2018 - 2022, Bắc Giang đã hỗ trợ trên 100 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp với khoảng 350 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối cung cầu; hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (trên 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn sàn thương mại điện tử). Các chủ thể tham gia chương trình đã được hỗ trợ tập huấn nâng cao nhận thức. Tỉnh cũng đã vận dụng cơ chế, chính sách khác nhau hỗ trợ chủ thể sản xuất bổ sung các nội dung khác về chất lượng, bao bì, nhãn mác, bảo đảm theo yêu cầu của bộ tiêu chí.

Nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, liên kết trong tiêu thụ góp phần gia tăng giá trị cho nông sản đặc trưng của địa phương
Nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, liên kết trong tiêu thụ góp phần gia tăng giá trị cho nông sản đặc trưng của địa phương

Tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Giang Nguyễn Thái Trường cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình OCOP tại Bắc Giang cũng gặp nhiều khó khăn do sản phẩm đặc sản, đặc trưng trên địa bàn tỉnh tuy nhiều và có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP song nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, tính cạnh tranh chưa cao. Sản phẩm chủ yếu là sơ chế, chưa nhiều sản phẩm chế biến sâu. Việc hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn ít. Sản phẩm du lịch cộng đồng chưa phong phú, hấp dẫn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang, quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở tỉnh vẫn còn một số khó khăn do nguồn lực triển khai Chương trình chủ yếu là lồng ghép. Số lượng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình hàng năm nhiều nhưng thực tế sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng thấp. Cùng đó, quy mô sản xuất nhỏ, phục vụ thị trường hẹp, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế. 

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục quan tâm mở rộng về số lượng và cơ cấu các sản phẩm OCOP, trong đó các địa phương phải có danh sách các sản phẩm tiềm năng để có kế hoạch đào tạo, tập huấn, xây dựng chương trình hỗ trợ giúp đỡ chủ thể xây dựng sản phẩm đạt OCOP. 

Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tuân thủ các quy trình về quản lý chất lượng; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tổ chức các hội chợ, đặc biệt chú trọng đến việc tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển sản phẩm, nâng hạng sao sản phẩm OCOP và phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia.   

Theo định hướng triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030, duy trì, củng cố và nâng cấp 95 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao năm 2019 - 2020; đưa Chương trình đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh tiếp tục củng cố kiện toàn doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện Chương trình OCOP; phát triển, tiêu chuẩn hóa tối thiểu 25 - 30 sản phẩm/năm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Phát triển thêm 2 - 3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia, sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tăng cường liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO