Sóc Trăng chăm lo nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số

Tăng cường đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) được tỉnh Sóc Trăng xác định là giải pháp quan trọng để nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh còn đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học tiếng dân tộc để góp phần gìn giữ tiếng nói, chữ viết và đặc trưng văn hóa đa dân tộc tại địa phương.

Chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực

Là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, trong đó hơn 30% là đồng bào dân tộc Khmer, nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác phát triển giáo dục và đào tạo trong đồng bào dân tộc. Những năm gần đây, tỉnh tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) theo Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19.6.2020 của Quốc hội.

Sóc Trăng hiện có 10 trường Phổ thông dân tộc nội trú
Sóc Trăng hiện có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Rotha cho biết, Dự án 5 là dự án thành phần có kinh phí thực hiện cao nhất trong 9 dự án thuộc Chương trình giai đoạn 2021 - 2023, với nguồn vốn được bố trí gần 194 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho tỉnh đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy cho các trường PTDTNT trên địa bàn. Ở Trường PTDTNT Trung học cơ sở huyện Kế Sách, từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình, trong giai đoạn 2022 - 2023, trường đã xây mới 2 phòng học, 3 nhà công vụ, nhà ăn, nhà bếp, sân chơi bi sắt, mua sắm các thiết bị phục vụ chuyển đổi số trong giảng dạy và quản lý… Cùng với Trường PTDTNT Trung học cơ sở huyện Kế Sách, các trường PTDTNT ở các huyện Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Châu Thành cũng được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học. Nhờ đó, thầy và trò ở các trường này có thêm điều kiện thuận lợi để an tâm dạy tốt, học tốt.

Đến nay, Sóc Trăng có 10 trường PTDTNT phủ hầu hết các địa phương trong tỉnh, trong đó có 5 trường đạt chuẩn quốc gia. Về cơ bản, hệ thống trường lớp trên địa bàn tỉnh bảo đảm kiên cố, không còn trường học, lớp học tạm. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tất cả các trường PTDTNT sẽ đạt chuẩn quốc gia. Trên cơ sở được đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, những năm gần đây, các trường PTDTNT quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học. Hiện nay, các trường đều xây dựng và triển khai đến đội ngũ cán bộ, giáo viên kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy - học, tăng cường các hoạt động ngoại khóa cho học sinh…

Để nâng cao chất lượng dạy và học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã hướng dẫn, khuyến khích các trường thường xuyên tổ sinh hoạt chuyên môn liên trường trong hệ thông các trường PTDTNT để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác dạy và học. Nhờ đó, đến nay chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS chuyển biến tích cực, đảm bảo duy trì sĩ số, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường cao, cơ bản khắc phục được tình trạng học sinh người DTTS bỏ học.

Đưa chữ viết dân tộc vào trường, vào chùa

Song song với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT, nhiều năm qua, tỉnh Sóc Trăng quan tâm việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành giáo dục - đào tạo và các địa phương triển khai dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer ở các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 149 trường dạy tiếng dân tộc Khmer.

Chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục - đào tạo Sóc Trăng đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa tiếng Khmer lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 4 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học ở các trường PTDTNT. Song song đó, tỉnh tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS cho các địa phương có dạy chữ dân tộc, nhất là giáo viên có trình độ đại học; cung cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học để giúp giáo viên đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy tiếng dân tộc. Ngoài ra, các trường cũng quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh DTTS, tạo điều kiện để các em tham gia sinh hoạt văn hóa, học tập, trình diễn nghệ thuật truyền thống nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc.

Không chỉ chăm lo việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer ở các trường, Sóc Trăng là tỉnh có nhiều lớp dạy chữ Khmer ở các chùa Khmer, nhất là trong dịp hè. Thị xã Vĩnh Châu, địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất của tỉnh, cũng là nơi phát triển mạnh các mô hình dạy và học chữ Khmer trong chùa. Mỗi năm, đến kỳ nghỉ hè, cả 21 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở thị xã đều đồng loạt mở lớp dạy chữ Khmer, thu hút hàng nghìn học sinh, tăng sinh, con em phật tử theo học. Riêng kỳ hè 2022 - 2023, chùa Serey Kandal (phường Vĩnh Phước) tiếp nhận gần 500 học sinh đang theo học từ lớp 1 - 3 và lớp 2 Pali sơ cấp; Chùa Lakhanawong Xung Thum (xã Lai Hòa) thu hút hơn 400 học sinh và tăng sinh theo học. Đại đức Lý Phét, Trụ trì chùa Serey Kandal, cho biết: “Ngoài việc dạy chữ Khmer, hằng tuần, nhà chùa còn tổ chức phát sữa và những món quà nhỏ để động viên tinh thần học tập của các em học sinh. Những em có hoàn cảnh khó khăn được nhà chùa hỗ trợ tập, viết”.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 92 chùa Khmer. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào Khmer mà còn là nơi giảng dạy giáo lý, chữ viết cho các tăng sinh và con em phật tử trong phum sóc. Nhờ đó, các em có thêm môi trường học tập lành mạnh, trau dồi thêm vốn kiến thức, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hạn chế tình trạng nghiện các trò chơi điện tử hay sa vào những sinh hoạt không lành mạnh, nhất là trong dịp nghỉ hè.

Địa phương

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng phát biểu kết luận tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa diễn ra
Hoạt động chính quyền

Quảng Ninh: Sớm hoàn thiện tổ chức bộ máy theo mô hình mới

Thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương về triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Quảng Ninh đã sớm nhận diện được tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc kiện toàn bộ máy chính quyền. Với vị thế là một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội năng động, việc xây dựng một hệ thống hành chính tinh gọn, hiệu quả càng trở nên quan trọng để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển thời gian tới.

TP. Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh hạ tầng môi trường, chặn ô nhiễm tại những điểm nóng
Địa phương

TP. Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh hạ tầng môi trường, chặn ô nhiễm tại những điểm nóng

TP. Hồ Chí Minh đang tập trung đẩy nhanh đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, xử lý nước thải tại khu đô thị, làng nghề, khu - cụm công nghiệp nhằm kiểm soát ô nhiễm tại các lưu vực sông, đặc biệt là sông Sài Gòn, kênh Ba Bò và tuyến Suối Cái – những điểm nóng ô nhiễm kéo dài nhiều năm qua.

Bắc Giang: Đồng bộ giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế
Trên đường phát triển

Bắc Giang: Đồng bộ giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, kinh tế - xã hội của tỉnh 3 tháng đầu năm đạt kết quả nổi bật, trong đó tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I ước đạt khoảng 14,8% (cao hơn kịch bản trước đó, dự kiến là 13%), trong đó công nghiệp - xây dựng ước tăng khoảng 18,8%, riêng công nghiệp ước tăng khoảng 19,6%.

TP. Hải Phòng đạt thành tích cao trong thực hiện FTA Index 2024
Địa phương

TP. Hải Phòng đạt thành tích cao trong thực hiện FTA Index 2024

Tại Lễ công bố Bộ Chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA Index) của các địa phương năm 2024 do Bộ Công Thương vừa phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Bằng khen cho 5 tỉnh, thành có thành tích trong việc đánh giá kết quả thực hiện FTA Index 2024, trong đó có TP. Hải Phòng.

Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Mỹ Anh cùng liên danh trúng nhiều gói thầu tại tỉnh Sơn La với tỷ lệ tiết kiệm ngân sách thấp
Địa phương

Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Mỹ Anh cùng liên danh trúng nhiều gói thầu tại tỉnh Sơn La với tỷ lệ tiết kiệm ngân sách thấp

Trong những năm vừa qua, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Mỹ Anh trúng hơn 50 gói thầu với tổng giá trị hơn 400 tỷ đồng, bao gồm cả vai trò liên danh và độc lập. Nhiều gói thầu doanh nghiệp này trúng trên địa bàn tỉnh Sơn La thường có mức tiết kiệm rất thấp so với tỷ lệ tiết kiệm trung bình của cả nước trong lĩnh vực đấu thầu đầu tư công.

TP. Hồ Chí Minh: Hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa nâng tầm sản phẩm và năng lực cạnh tranh
Địa phương

TP. Hồ Chí Minh: Hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa nâng tầm sản phẩm và năng lực cạnh tranh

TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa bằng các giải pháp toàn diện như phát triển sản phẩm chủ lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu. Qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.