Quyết tâm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới

- Thứ Năm, 08/02/2024, 13:43 - Chia sẻ

Trên nền tảng kết tinh từ truyền thống cách mạnh hào hùng và khát vọng thịnh vượng của người Thanh Hóa. Chính quyền và nhân dân sẽ phấn đấu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo nền tảng sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới.

Những thành tựu đáng ghi nhận

Mặc dù năm qua, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Quyết tâm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới -0
Một góc thành phố Thanh Hóa nhìn từ trên cao.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,01%, đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước (Nông- lâm- thủy sản tăng 4,16%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,67%; công nghiệp tăng 10,73%), khu vực dịch vụ tăng 7,19% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,22%).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm chỉ đạo. Năm 2023 có thêm 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Bỉm Sơn), 17 xã đạt chuẩn NTM, 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 160 sản phẩm được công nhận OCOP tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP được công nhận lên có 452 sản phẩm, đứng thứ 2 cả nước.

Trong năm, đã thu hút được 83 dự án đầu tư trực tiếp (14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.057 tỷ đồng và 209,9 triệu USD). Điển hình một số dự án quy mô lớn như: Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tại xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn… Thanh Hóa đang là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với các nhà đầu tư.

Quyết tâm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới -0
Toàn cảnh thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Những kết quả đạt được trong năm 2023 không chỉ thể hiện trên các chỉ số phát triển kinh tế, hoạt động đối ngoại, đó còn là sự khởi sắc trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Những thành quả đạt được nêu trên trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức là rất đáng trân trọng, phấn khởi và tự hào. Đây cũng là minh chứng cho sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.

Quyết tâm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà bứt phá để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Quyết tâm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới -0
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Đỗ Minh Tuấn tại buổi làm việc với Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (Ảnh: Bích Phương).

Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã quyết nghị các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 3.540 USD trở lên; sản lượng lương thực giữ ở mức 1,5 triệu tấn; tổng giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD trở lên; thu ngân sách nhà nước đạt 35.567 tỷ đồng trở lên; số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3.000 doanh nghiệp trở lên…

Trao đổi với PV, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Đỗ Minh Tuấn cho biết, năm 2023 trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đây là những chỉ tiêu có tính phấn đấu rất cao, đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Từ đó tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.

Để  thực hiện được điều này, chính quyền và người dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040.

Bên cạnh đó, thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Quyết tâm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới -0
Chính quyền và nhân dân sẽ phấn đấu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo nền tảng sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tăng thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 ở mức cao nhất; tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả để tập trung nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển và các nhiệm vụ cấp bách của tỉnh; Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện cả 3 trụ cột “chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, trọng tâm là phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo, giữ vững kết quả giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và các chính sách dân tộc, miền núi, tôn giáo.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp và vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động của cơ quan, địa phương, đơn vị; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ; khắc phục tình trạng quan liêu, chủ quan, thờ ơ, vô cảm, lơ là, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài, không để phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Tú - Xuân Sinh
#