Phúc Thọ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và liên kết sản xuất
Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp giải phóng sức lao động, giải phóng tư duy quản lý mà còn nâng cao tính minh bạch về thông tin cho sản phẩm, nhất là các sản phẩm thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thời gian qua, cùng với tập trung phân hạng, huyện Phúc Thọ đã đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số và liên kết sản xuất trong phát triển các sản phẩm OCOP. Qua đó, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; tạo dựng thị trường tiêu thụ bền vững cho các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.
Nâng tầm giá trị sản phẩm
Với lợi thế về vị trí nằm ở vùng bãi phù sa ven sông Hồng, HTX Nông nghiệp Xuân Phú được biết đến là đơn vị có thế mạnh về phát triển các sản phẩm rau, củ, quả. Từ diện tích đất nông nghiệp trên 320ha, sau khi chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012, Xuân Phú đã quy hoạch 20ha diện tích trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP cung ứng riêng cho người tiêu dùng Thủ đô. Giám đốc HTX Hoàng Đông Hôn chia sẻ: Những năm qua, nhằm khẳng định chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm rau an toàn địa phương, Xuân Phú đã đăng ký 4 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của TP. Hà Nội và được phân hạng đạt chuẩn 4 sao. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để HTX hướng đến hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có hệ thống cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện nói riêng và TP. Hà Nội nói chung.
Cũng giống như HTX Xuân Phú, HTX nông nghiệp Vân Nam cũng là đơn vị đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc chuyển đổi từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung quy mô và đặc biệt là liên kết chuỗi, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Giám đốc HTX Doãn Văn Thắng cho biết: Sản phẩm chuối của HTX được trồng từ giống chuối tiêu hồng cấy mô không biến đổi gene do Viện Rau quả Trung ương nghiên cứu sản xuất, cho ra sản phẩm chất lượng cao, đồng nhất. Chuối được trồng theo quy trình VietGAP, sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Hiện, chuối Vân Nam là sản phẩm OCOP 3 sao, là đặc sản tiêu biểu của huyện Phúc Thọ.
Cũng theo ông Thắng, xác định chuối là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, nên HTX vận động người dân duy trì vùng sản xuất và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, giống mới vào nâng cao năng xuất, chất lượng. HTX tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng máy móc để chế biến chuối sấy dẻo, sấy lạnh… nâng cao giá trị sản phẩm nhằm đạt mục tiêu sản phẩm OCOP 5 sao của huyện.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Đình Sơn cho biết: Nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai Chương trình OCOP, huyện đã hết sức quan tâm, hỗ trợ cho các chủ thể tham gia hoàn thiện hồ sơ, xây dựng thương hiệu cũng như hỗ trợ tập huấn và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng phát triển. Trong thời gian tới, huyện sẽ xây dựng Đề án tổng thể tạo thuận lợi cho việc triển khai Chương trình OCOP của địa phương.

Ảnh: Khánh Duy
Đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm
Là huyện thuần nông, Phúc Thọ có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: Vùng trồng rau an toàn 480ha tại các xã Võng Xuyên, Thanh Đa, Thọ Lộc, Vân Phúc; vùng trồng bưởi 30ha theo hướng VietGAP tại các xã Vân Hà, Hiệp Thuận; vùng trồng rau VietGAP15,2ha rau tại các xã Xuân Đình, Hát Môn, Thanh Đa, Võng Xuyên, Thọ Lộc; vùng trồng chuối VietGAP 6ha tại xã Vân Nam. Đến thời điểm này, huyện đã hình thành được 8 chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nông sản; xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm: Bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, cà dầm tương, tương nếp Tam Hiệp...
Dù vậy, theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, so với tiềm năng, thế mạnh những kết quả trên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn xây dựng huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến với môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp, trở thành vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội mà Phúc Thọ đang hướng đến. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển nông nghiệp, huyện đặc biệt quan tâm đến đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; giúp người sản xuất tiếp cận, cập nhật kiến thức, cách nghĩ, cách làm mới, nhất là việc chuyển đổi số và liên kết sản xuất.
Mới đây, Chi cục Phát triển nông thôn TP. Hà Nội cũng đã tổ chức tập huấn cho đại diện các HTX nông nghiệp, trang trại, hộ sản xuất tiêu biểu, cán bộ chính quyền địa phương... về nội dung chuyển đổi số trong nông nghiệp và chuyển đổi số trong sản xuất của các hợp tác xã, trang trại. Lớp tập huấn cũng đã giới thiệu về nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc nông sản... đến các học viên. Trong khuôn khổ nội dung chương trình tập huấn, cũng đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sàn Thương mại điện tử Postmart (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Công ty Cổ phần Thương mại và đầu tư phát triển công nghệ Nam Khánh và 12 chủ thể là các HTX, trang trại về liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản: chuối Vân Nam, rau an toàn Xuân Phú…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Chuyển đổi số giúp giải phóng sức lao động, giải phóng tư duy quản lý và minh bạch sản phẩm. Tới đây, TP. Hà Nội sẽ có hỗ trợ cụ thể cho những mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục khắc phục hạn chế của nông nghiệp Thủ đô, giảm quy mô nhỏ lẻ, manh mún, kinh tế hộ thông qua việc đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã chuyên ngành để tích tụ đất đai, sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng chuyển đổi số.
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối chương trình Xây dựng Nông thôn mới TP Hà Nội)