Hạn chế tối đa tai nạn thương tâm
Trên thực tế, ở Phổ Yên vẫn có hiện tượng học sinh THCS, THPT đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng; sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe… đã làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).
Nhiều hộ dân sống tại tại Km06, Đường tỉnh 274, đoạn thuộc xóm Xuân Dương, xã Thành Công (TP. Phổ Yên) không quên vụ tai nạn xảy ra vào tháng 10.2022 giữa ô tô tải hướng Thái Nguyên - Vĩnh Phúc đâm va vào xe máy điện không gắn biển kiểm soát do cháu Uông Văn Thiện (sinh năm 2008), xóm Bia, xã Thành Công, đi phía trước ngược chiều. Vụ tai nạn khiến cháu Thiện bị thương nặng, xe máy điện bị hư hỏng…
Theo các chuyên gia, các em ở lứa tuổi học đường suy nghĩ còn nông nổi, bồng bột, thích thể hiện cái tôi cá nhân, nhiều em phóng nhanh, vượt ẩu trên đường nguy cơ dẫn đến những vụ TNGT đáng tiếc... Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT, phòng ngừa, không để xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng với thanh thiếu niên, học sinh, TP. Phổ Yên chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh. Tăng cường nắm bắt thông tin về học sinh vi phạm quy định về ATGT để có hình thức xử lý nghiêm; đồng thời, thông báo tới phụ huynh học sinh về vi phạm của con em, qua đó, có biện pháp giáo dục, nhắc nhở giúp học sinh chấp hành tốt pháp luật giao thông.
Tại một số trường học, các thầy cô hướng dẫn học sinh đi theo hàng lối, đúng tuyến đường, tạo nền nếp, thói quen cho học sinh; qua đó, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, hạn chế va chạm, tai nạn giao thông tại khu vực cổng trường, đặc biệt tại những trường học giáp quốc lộ, tỉnh lộ..
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức về ATGT, nhiều trường, nhiều cấp học còn tổ chức các hội thi về ATGT. Đơn cử, cuối năm 2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Phổ Yên đã tổ chức Hội thi “Bé với an toàn giao thông” cấp thành phố năm học 2022 - 2023. Các phần thi đã được các đội sân khấu hóa bằng nhiều hình thức như: câu chuyện, kịch, bài hát, thơ, ca, hò vè hay và ý nghĩa về luật ATGT, phù hợp với lứa tuổi mầm non. Đồng thời, lồng ghép giới thiệu thành viên, mục đích, ý nghĩa của hội thi, kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho trẻ, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục Luật Giao thông đường bộ trong trường mầm non.
Cùng với đó, nhiều trường học đã phối hợp với lực lượng công an tổ chức các chương trình ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông cho toàn thể học sinh nhà trường. Tại buổi tuyên truyền, các em học sinh được nghe thông tin về tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố, tìm hiểu về biển báo hiệu giao thông đường bộ, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, cách đội mũ bảo hiểm đúng quy cách khi tham gia giao thông; giao lưu trả lời các câu hỏi liên quan đến luật an toàn giao thông đường bộ, nhất là các tình huống giao thông trong lứa tuổi học sinh; ngoài ra, các em còn được xem các tình huống giả định có nguy cơ xảy ra trên thực tế.
Chương trình đã giúp em học sinh có những kiến thức, kỹ năng cơ bản để phòng tránh tai nạn giao thông, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, tạo cho các em thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn giao thông trong nhà trường
Nhằm thực hiện mục tiêu “An toàn giao thông cho học sinh khi đến trường”, TP Phổ Yên tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trật tự ATGT trong trường học. Các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng khu vực, địa bàn, lứa tuổi, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân, thanh thiếu niên, học sinh khi đi đường.
Về phía phòng giáo dục, tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của công an các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng đi đường an toàn trong thanh thiếu niên, học sinh. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục thanh niên, học sinh tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT; nhân rộng các mô hình bảo đảm trật tự ATGT trong nhà trường; đưa việc chấp hành pháp luật trật tự ATGT vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm đối với các đơn vị cơ sở và các cá nhân. Có kế hoạch phối hợp thực hiện sâu rộng công tác tuyên truyền và triển khai phương án bảo đảm ATGT khu vực cổng trường khi bước vào năm học mới 2024 - 2025.
Quan tâm bồi dưỡng kiến thức về các quy định của pháp luật trong việc bảo đảm trật tự ATGT cho đội ngũ giáo viên để giúp cho việc truyền tải thông tin đến học sinh chính xác, đầy đủ. Nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy và học an toàn giao thông; nội dung giảng dạy phải phù hợp với đối tượng; nên trang bị mô hình mô phỏng các tình huống giao thông cùng thiết bị trợ giúp cho việc học tập thực tế, giúp cho học sinh dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện.
Cùng với các thầy cô giáo, cácbậc cha mẹ học sinh cũng cần tìm hiểu, nắm bắt kịp thời các thông tin tuyên truyền về thực trạng tham gia giao thông an toàn để phối hợp với nhà trường thường xuyên nâng cao ý thức thức chấp hành pháp luật về ATGT cho con em mình.