Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế
Sau hơn 25 năm đóng cửa, rừng tự nhiên từng bước được phục hồi đã đưa Đồng Nai trở thành tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất Nam Bộ. Nhiều diện tích rừng tự nhiên của Đồng Nai đi kèm với sông, hồ, suối rất đẹp, thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, phù hợp với xu hướng hòa mình vào thiên nhiên hiện nay của du khách. Thời gian qua, một số mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng cũng được người dân, doanh nghiệp triển khai như: Trồng vối, bạc hà, nghệ vàng, nấm linh chi… dưới tán rừng. Một số nơi cũng bắt đầu thiết kế và khai thác được các hình thức du lịch đặc thù, hấp dẫn nhờ những lợi thế sẵn có của rừng.
Căn cứ trên tiềm năng, tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, theo đó, tỉnh xác định sẽ tập trung các nguồn lực xây dựng du lịch Đồng Nai trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển, đồng thời, xây dựng thương hiệu du lịch Đồng Nai là du lịch sinh thái.
Về lâu dài, các dự án phát triển kinh tế rừng nếu hài hòa được các lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường sẽ góp phần phát huy hết giá trị rừng mang lại, đó là phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, quảng bá tài nguyên; giúp đơn vị chủ rừng có thêm nguồn thu tái phục vụ giữ và phát triển rừng; giúp nông dân địa phương có thêm việc làm, có đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Ở diễn biến khác, Đồng Nai có hàng trăm ngàn ha rừng có thể sản xuất, trao đổi, bán tín chỉ carbon. Khai thác được tiềm năng này, tỉnh sẽ giảm được chi ngân sách cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện sinh kế cho người trồng rừng và lực lượng kiểm lâm.
Đồng bộ giải pháp bảo vệ rừng
Trong quá trình khai thác, Đồng Nai luôn chủ trương khai thác tài nguyên rừng đi liền với bảo vệ, phát triển rừng. Giữa bối cảnh chuyển đổi số toàn diện, ngoài phát triển nguồn nhân lực bảo vệ rừng, Đồng Nai là một trong những tỉnh tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác bảo vệ rừng đã mang lại kết quả khả quan.
Trước đó, nhân lực bảo vệ rừng được xem là điểm nóng, điểm nghẽn trong công tác bảo vệ rừng của tỉnh Đồng Nai. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lê Văn Gọi thông tin, hiện lực lượng bảo vệ rừng Đồng Nai có khoảng 200 người làm nhiệm vụ quản lý trên 30 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp.
Thực trạng đời sống của lực lượng bảo vệ rừng đang gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập của lực lượng bảo vệ rừng chỉ khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Trong khi điều kiện làm việc trong rừng còn nhiều thiếu thốn; đường sá đi lại trong rừng cách trở; thường phải đối mặt với các đối tượng xâm phạm rừng trái phép manh động, chống đối. Nếu không có giải pháp kịp thời, về lâu dài đội ngũ này sẽ giảm cả về số lượng lẫn chất lượng, dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) càng thêm khó khăn hơn.
Trong khi chờ HĐND tỉnh xem xét và có sự hỗ trợ, bù đắp thỏa đáng cho lực lượng bảo vệ rừng, Đồng Nai đã sớm triển khai ứng dụng CNTT vào QLBVR và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm tiết kiệm kinh phí, giảm áp lực cho lực lượng bảo vệ rừng nhờ đó mang lại nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cho công tác giữ rừng ngày càng hiệu quả hơn.
Điển hình, tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã chủ động hướng người lao nâng cao trình độ tin học để ứng dụng CNTT trong thực tiễn nhiệm vụ; nghiên cứu, áp dụng các phần mềm Mapinfo, Global mapper, Mapsource, Google earth… để xây dựng các bản đồ trong quản lý đất đai, theo dõi và cập nhật diễn biến rừng, thiết kế các hạng mục lâm sinh, PCCCR; sử dụng các phần mềm như Lucus map trên điện thoại thông minh phục vụ cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, giảm thiểu việc sử dụng bản đồ giấy.
Ngoài ra, đơn vị còn sử dụng thiết bị bay flycam để xác định sự thay đổi diễn biến rừng, sự phát triển của cây rừng và thuận tiện trong công tác QLBVR, PCCCR; sử dụng camera, bẫy ảnh để mật phục ghi lại hình ảnh đối với hành vi xâm hại rừng… Việc ứng dụng CNTT đã giúp cho công tác QLBVR, PCCCR tại đơn vị được hiệu quả hơn, hiện trạng rừng được cập nhật thường xuyên, liên tục từng lô rừng, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí trong công tác QLBVR, PCCCR.
Mục tiêu dài hạn, tỉnh Đồng Nai sẽ phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong tỉnh đáp ứng tối thiểu 28% nhu cầu nguyên liệu chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ gỗ, lâm sản đến năm 2025 đạt 2 tỷ USD; bảo đảm 100% sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp; sử dụng khoảng 200 nghìn lao động và lao động được đào tạo tại chỗ đạt 70% góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn và các vùng lân cận.