Lễ tổng kết có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; ông Phạm Việt Công, Phó Chánh văn phòng Ủy Ban An toàn Giao thông Quốc gia; ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM; ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH. Báo Dân trí có ông Nguyễn Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập.
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam do Cục Cảnh sát giao thông phối hợp Báo Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức là một trong những hoạt động nhằm khuyến khích, phát huy vai trò của mỗi người trong việc tham gia xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.
Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình cũng như thể lệ tham gia cuộc thi, vui lòng truy cập website của chương trình tại: https://sangkienatgt.dantri.com.vn.
Sau 2 năm triển khai, chương trình đạt nhiều thành tựu, từ hơn 200 bài thi năm 2022, sang năm 2023, con số này gấp 6 lần, với hơn 1.200 sáng kiến, giải pháp; hơn 70% bài thi đến từ học sinh, sinh viên. Nhiều sáng kiến áp dụng vào thực tế tại Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh - địa phương xây dựng mô hình "Tỉnh an toàn giao thông", bước đầu đạt nhiều hiệu ứng tích cực, góp phần cải thiện tình hình trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.
Trong đó có Sáng kiến Hệ thống hỗ trợ điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông; Sáng kiến Hệ thống phát hiện và cảnh báo giao thông thông minh; Sáng kiến Ứng dụng nguyên lý đèn giao thông trong quản trị giao thông hiệu quả tại Việt Nam áp dụng vào xây dựng mô hình "Tỉnh an toàn giao thông".
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi ghi nhận và đề cao thành quả nỗ lực, cố gắng của các tác giả, sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, thông qua chương trình, người dân ngày càng nâng cao kiến thức hiểu biết về pháp luật và công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có ý thức tự giác hơn trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại, an toàn. "Hãy vì niềm yêu thương, xót xa cho những người đã mất vì tai nạn giao thông mà hành động vì sự an toàn của những người đang sống"
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông - Trưởng Ban tổ chức chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 - 2023, Thiếu tướng Lê Xuân Đức nêu rõ, trong thời gian tới, Cục phối hợp với các đơn vị liên quan, lựa chọn, hiện thực hóa các sáng kiến đạt giải có tính khả thi cao áp dụng vào thực tiễn, tiếp tục tổ chức có hiệu quả chương trình trong các năm tiếp theo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đó là ý nghĩa rất lớn của chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam.
Trong số 1.400 bài dự thi có đến hơn 70% đến từ các sinh viên, học sinh.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức đánh giá, các bài dự thi của sinh viên đã đánh giá được phương pháp, tính khả thi và tính toán cả về tài chính để thực hiện, làm sao khi áp dụng hiệu quả nhất.
Lãnh đạo Cục CSGT đánh giá cao sáng kiến đạt giải Ba của tập thể học sinh lớp 12 về thiết bị cảm biến phát hiện người tại vị trí điểm mù của ô tô tải. Thực tế ngoài đường đang có rất nhiều tình huống người điều khiển xe máy, xe đạp rơi vào điểm mù xe tải đã gây ra các vụ tai nạn thảm khốc.
Dựa trên những kết quả tự hào mà chương trình có được sau hai năm tổ chức, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và phạm vi chương trình trong năm 2024, thu hút sự tham gia nhiều hơn nữa của các tầng lớp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.