Nhiều dư địa phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao

- Thứ Sáu, 14/06/2024, 06:08 - Chia sẻ

Với tổng diện tích mặt nước lên tới gần 31.000ha, Hà Nội có dư địa lớn để phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ.

Triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các huyện tiếp tục triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP với quy mô 25ha tại các huyện: Phúc Thọ, Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức, Thanh Trì, Phú Xuyên. Các mô hình này mang lại hiệu quả rõ rệt, cá sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 81,5%, cho năng suất hơn 12 tấn/ha; lãi suất hơn 95 triệu đồng/ha, cao hơn 10 - 15% so với phương pháp truyền thống. Tham gia mô hình nuôi trồng thủy sản, nông dân được cán bộ của ngành nông nghiệp tập huấn, tư vấn kỹ thuật, lấy mẫu kiểm tra, đánh giá, phân tích chất lượng nước và ghi chép nhật ký chăm sóc trong quá trình nuôi.

Mô hình nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng kỹ thuật
Mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng kỹ thuật "sông trong ao" của Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng, huyện Thanh Trì. Nguồn: ITN

Đặc biệt, các hộ nuôi đều quan tâm đến vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm, sức khỏe động vật thủy sản, bảo vệ môi trường, bảo đảm cho ra sản phẩm đạt chất lượng và tiêu chuẩn; năm 2018, chính quyền xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) đã vận động các hộ dân, làm đầu mối trung gian để các gia đình ký kết hợp đồng cho thuê hơn 10ha đất. Diện tích này sau đó được giao lại cho Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “sông trong ao”.

Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì) Cao Đình Thanh Hải cho biết, đến nay, sau hơn 5 năm triển khai, mô hình nuôi trồng thủy sản “sông trong ao” đã đi vào ổn định, cho năng suất cao gấp 1,8 lần so với nuôi trồng truyền thống. Hiện, trung bình mỗi năm hợp tác xã cung ứng cho thị trường khoảng 250 tấn thủy sản các loại.

Mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của hợp tác xã đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận VietGAP. Các sản phẩm thủy sản có chất lượng vượt trội, thường xuyên được lấy mẫu kiểm tra, nhiều năm nay chưa phát hiện trường hợp mất an toàn.

Xây dựng thương hiệu thủy sản của thủ đô

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, việc nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong quản lý môi trường nước, phòng và trị bệnh bằng các chế phẩm sinh học, giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản xuất.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành nông nghiệp thành phố sẽ phối hợp với các địa phương mở rộng mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, gắn với nhu cầu thị trường và lợi thế của từng vùng; khuyến khích người dân, hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2022 - 2025, thành phố định hướng đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, theo hướng hữu cơ. Trước mắt sẽ tập trung phát triển tại 6 huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ và Phúc Thọ.

Cũng theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, Nghị quyết số 08/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội ban hành tháng 7.2023 đã đề cập đến nhiều nội dung, mức chi hỗ trợ cụ thể đối với các dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và xử lý môi trường ao nuôi. Do đó, đề nghị các huyện, thị xã phổ biến và triển khai các bước nhằm hỗ trợ các chủ thể tiếp cận nguồn lực phát triển nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó, các địa phương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sản xuất theo lợi thế; bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, hướng tới xây dựng thương hiệu thủy sản của thủ đô. 

(Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)

Việt Anh