Vì bình yên trên vùng biển quê nhà
Tỉnh Quảng Bình có 222km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào và 116km bờ biển, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực và cả nước. Trong đó, bên cạnh tuyến biên giới hùng vĩ ở phía Tây, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình được giao quản lý, bảo vệ vùng biển rộng hơn 10.000km2, với khu vực có 5 cửa sông và các đảo Hòn La, Hòn Gió, Hòn Cỏ, Hòn Chùa.
Với nhiệm vụ chính trị, giữ vững ổn định tình hình trên biển của Tổ quốc, Hải đội 2, BĐBP tỉnh Quảng Bình luôn sẵn sàng lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ và tìm kiếm cứu nạn; bám biển, bám ngư dân để nắm chắc tình hình. Các chiến sĩ tiếp nhận thông tin vi phạm chủ quyền từ ngư dân và tham mưu Bộ Chỉ huy chỉ đạo xử lý, đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
“Trong thời gian tới, ngoài thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP giao về kế hoạch bảo vệ biên giới, Đảng ủy Ban Chỉ huy Hải đội sẽ tăng cường công tác nắm tình hình, tuần tra kiểm soát trên biển để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo”, Thượng tá Lê Văn Tính, Chính trị viên Hải đội 2, BĐBP tỉnh Quảng Bình cho biết.
Với Đồn Biên phòng Lý Hòa, nơi quản lý, bảo vệ 22,5km bờ biển cùng địa bàn 6 xã biên giới biển thuộc huyện Bố Trạch, những năm qua, cùng với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, các chiến sĩ quân hàm xanh Đồn Biên phòng Lý Hòa bám biển, bám dân, xây dựng được 164 Tổ tự quản an ninh trật tự và 33 Tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển, góp phần củng cố và giữ vững thế trận biên phòng toàn dân.
Lực lượng BĐBP vùng biển đồng lòng đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn để triển khai lực lượng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo trong tình hình mới với nhiều hình thức ngày một đa dạng, phong phú, thiết thực.
“Đi biển có bạn thuyền, đủ dầu đèn, có máy liên lạc… và có các chú Bộ đội Biên phòng luôn đồng hành. Để khi có tàu lạ hay phương tiện nước ngoài, tổ tàu thuyền đoàn kết chúng tôi sẽ báo ngay về cho các chú, biển càng bình yên”, Chủ tàu Nguyễn Hồng Lực (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) cho biết.
Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi
Cùng với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, lực lượng BĐBP phối hợp cùng bà con ngư dân trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đặc biệt trong chiến dịch chống khai thác IUU, gỡ thẻ vàng của EU, để bà con hưởng lợi trước nhất.
Đan xen với những cuộc tuần tra vùng biên giới biển, các chiến sĩ BĐBP kết hợp với lực lượng Công an xã tuyên truyền, nhắc nhở người dân về các nội dung chống khai thác IUU, đồng thời trò chuyện, trao đổi gần gũi để bà con hiểu ý nghĩa trong việc gỡ bỏ thẻ vàng cho ngành thủy sản. Bằng các phương pháp đa dạng, phối hợp “mưa dầm thấm lâu”, ngay từ đầu vụ sản xuất, đơn vị đã phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ tạo khí thế thi đua sôi nổi và khẳng định chủ quyền mỗi khi ra khơi sản xuất.
Chiến sĩ, cán bộ BĐBP xem bà con là người nhà, nhớ mặt gọi tên, để những thông tin tuyên truyền gắn với lời chúc “thuận buồm, xuôi gió” được ghi nhớ như lời dặn dò, nhắn nhủ trước mỗi chuyến biển. “Chúng tôi thường xuyên được các anh nhắc nhở về việc khai thác thủy sản đúng pháp luật nên luôn tuân thủ chấp hành nghiêm túc”, ngư dân Nguyễn Văn Quý, Thuyền trưởng tàu QB 92035 TS (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết.
Theo Trung úy Phan Minh Hoàng (Công an xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch), thực hiện quy chế phối hợp giữa 3 lực lượng công an, quân sự, biên phòng, các đơn vị đồng hành định kỳ tuần tra biên giới biển. Qua đó, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân chấp hành chủ trương pháp luật của Nhà nước, bảo vệ chủ quyền biên giới biển. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về chính sách chống IUU được nhấn mạnh và triển khai gần gũi, để người dân nắm, hiểu rõ và thực hiện.
Ở nơi đầu sóng ngọn gió, những người lính mang quân hàm xanh là tiền tuyến, cũng là điểm tựa, dốc sức đồng hành cùng người dân trong bất kỳ hoàn cảnh. Từ đó, ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát huy vai trò và sự hiện diện nơi trùng khơi - nơi mỗi con tàu là một “cột mốc chủ quyền”, mỗi ngư dân là một “chiến sĩ biên phòng” trên biển, hoàn thành nhiệm vụ kép vì Tổ quốc thiêng liêng.