Người dân là chủ thể, xã, thôn là chủ công

- Thứ Hai, 21/11/2022, 05:49 - Chia sẻ

Qua gần 2 năm triển khai thực hiện chương trình sắp xếp dân cư, huyện Nam Trà My, Quảng Nam rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Trong đó, xác định người dân là trung tâm, chủ thể thực hiện; xã, thôn là chủ công; nhà nước chỉ hỗ trợ phần việc người dân không làm được; trên tinh thần tự nguyện di dời dân cư theo hình thức tập trung và xen ghép phù hợp, không bắt buộc, cưỡng bức người dân vào điểm dân cư tập trung. Tôn trọng tự nhiên, giữ vững phong tục, nét văn hóa truyền thống của đồng bào...

Tạo đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân

Giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách sắp xếp, ổn định dân cư theo Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 22.7.2021 của HĐND tỉnh, Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Nam Trà My, Quảng Nam nhận thấy: Công tác quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư được hệ thống chính trị huyện xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Trên cơ sở Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định số 2405/QĐ-UBND ngày 23.8.2021 của UBND tỉnh, UBND huyện đã tập trung nhiều giải pháp huy động nguồn lực đóng góp từ cộng đồng dân cư, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện và chỉ đạo UBND các xã tổ chức triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên đến từng người dân và khu dân cư, do đó đạt được sự đồng thuận của tầng lớp Nhân dân.

Khu dân cư Tak Răng, thôn 2, xã Trà Cang với 82 hộ được hưởng cơ chế sắp xếp lại dân cư theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh Quảng Nam - Ảnh TRÀ MY
Khu dân cư Tak Răng, thôn 2, xã Trà Cang với 82 hộ được hưởng cơ chế sắp xếp lại dân cư theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trà My

Về quan điểm, nguyên tắc thực hiện, việc sắp xếp, xây dựng các khu dân cư trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc, cưỡng ép người dân vào điểm dân cư tập trung; chủ yếu theo hình thức xen ghép, giãn dân và kết nối các điểm dân cư trên địa bàn huyện. Xác định nhu cầu vốn đầu tư và hỗ trợ rất lớn, UBND huyện Nam Trà My đã chỉ đạo: Giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục ưu tiên sắp xếp lại các khu dân cư có nguy cơ sạt lở, quy hoạch lại và di dời các điểm dân cư chật chội, thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất; các điểm dân cư sống trong khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; các điểm dân cư sống tại khu vực núi cao, đặc biệt khó khăn không thể đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện đường, trường học và nước sinh hoạt.

Quá trình thực hiện, phải huy động mọi nguồn lực xã hội, lồng ghép nhiều chương trình đầu tư; xác định người dân là trung tâm, chủ thể thực hiện; xã, thôn là chủ công; nhà nước chỉ làm những phần việc mà người dân không làm được. Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm chính về sắp xếp dân cư trên địa bàn. Qua thời gian triển khai thực hiện, chính sách trên đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân, người dân xác định họ là vai trò chủ thể, tự làm và tự hưởng lợi.

Theo đó, qua gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23, huyện đã tổ chức sắp xếp cho 202 hộ tại 4 khu dân cư, bao gồm xã Trà Linh 33 hộ, xã Trà Nam 62 hộ, xã Trà Cang 82 hộ và xã Trà Leng 25 hộ từ ngân sách tỉnh, với tổng kinh phí thực hiện 10,019 tỷ đồng.

Về tổ chức thực hiện, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã xây dựng kế hoạch phân công nhau thường xuyên xuống từng khu dân cư đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động. Tổ chức quán triệt chủ trương sắp xếp, bố trí lại dân cư cho toàn thể đội ngũ cán bộ xã, thôn và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư để thống nhất xét chọn và tổ chức thực hiện.

Tập trung nhiều giải pháp huy động nguồn lực đóng góp từ cộng đồng dân cư, nhất là tham gia ngày công, ý thức chủ động tự thực hiện của từng hộ gia đình để xây dựng khu dân cư. UBND xã phối hợp các hội, đoàn thể từ xã đến thôn tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân nhường đất, đổi đất cho các hộ dân đến tái định cư. Diện tích đất bảo đảm từ 200 - 500m2/hộ; tạo khuôn viên vườn nhà, cổng ngõ, nhà bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng theo quy định. Ngoài ra, quá trình triển khai thực hiện, huyện đã chỉ đạo cho tạm ứng trước 50% kinh phí mua vật liệu làm nhà đối với những gia đình khó khăn; sau khi hoàn thiện, xã thành lập đoàn nghiệm thu và tiến hành hỗ trợ sau đầu tư đầy đủ kinh phí cho các hộ dân.

Không bắt buộc người dân vào điểm dân cư tập trung

Qua gần 2 năm triển khai thực hiện chương trình sắp xếp dân cư, huyện Nam Trà My rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Đó là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo chính quyền từ huyện đến cơ sở, phát huy cao độ và trách nhiệm của chính quyền cấp xã. Xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời những hộ dân tích cực hưởng ứng và vận động người thân, gia đình, họ tộc hưởng ứng và giúp đỡ cộng đồng thực hiện việc di dời, sắp xếp dân cư.

Xác định người dân là trung tâm, chủ thể thực hiện; xã, thôn là chủ công; nhà nước chỉ hỗ trợ phần việc người dân không làm được; trên tinh thần tự nguyện di dời dân cư theo hình thức tập trung và xen ghép phù hợp, không bắt buộc, cưỡng bức người dân vào điểm dân cư tập trung.

Cần chú trọng việc vận động hiến đất, đổi thửa đất ở, đất sản xuất của người dân với nhau; việc bố trí diện tích đất làm nhà, đất vườn, đất chăn nuôi nông hộ, đất chăn nuôi tập trung phải bảo đảm; tôn trọng tự nhiên, giữ vững phong tục, nét văn hóa truyền thống của đồng bào, hạn chế thấp nhất việc áp dụng cơ giới hóa vào việc san ủi mặt bằng tập trung và tất cả nội dung thực hiện hỗ trợ sau đầu tư.

Cùng với đó, phải huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động người dân; phát huy tính cộng đồng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong việc di dời chỗ ở, chủ động trong việc di dời nhà cửa ở nơi có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn trước khi thiên tai xảy ra.

ĐẶNG HỮU