Với mục tiêu chung của kế hoạch là bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lực thủy sản, góp phần phát triển kinh tế thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật. Chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.
Cụ thể, hoàn thành việc điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu trữ lượng nguồn lực thủy sản ở biển phục hồi, tăng trên 5% so với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lực thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 và duy trì tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lực thủy sản vào vùng nước tự nhiên hàng năm.
Kế hoạch bao gồm 6 nội dung: Điều tra, đánh giá nguồn lực thủy sản, môi trường sống loài thủy sản; bảo tồn biển; bảo vệ; cộng đồng, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ nguồn lực thủy sản; tái tạo, phát triển; phục hồi môi trường sống của các loài thủy sản và ngăn chặn sự suy giảm nguồn lực thủy sản.
Nhằm hoàn thành các nội dung trong kế hoạch, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lực thủy sản. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị nguồn lực thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh. Triển khai thực hiện đồng quản lý, nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong bảo vệ và phát triển nguồn lực thủy sản.
Đề xuất, đặt hàng dự án, đề án nghiên cứu, lựa chọn giống bố mẹ, hoàn thiện và chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm, thả tái tạo một số loài thủy sản có giá trị kinh tế; loài thủy sản bản địa, đặc hữu; loài nguy cấp, quý, hiếm, bổ sung nguồn giống thủy sản phục vụ công tác tái tạo và phát triển, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh, tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động bảo vệ nguồn lực thủy sản.
UBND tỉnh Nam Định giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể và phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả. Các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp, đôn đốc thực hiện hiệu quả kế hoạch.
UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phù hợp với điều kiện của từng địa phương; phối hợp chặt chẽ với các ngành thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển nguồn lực thủy sản trên địa bàn; phối hợp triển khai thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lực thủy sản.
UBND tỉnh cũng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thực hiện có hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác trong hoạt động phóng sinh tái tạo nguồn lực thủy sản; tuyên truyền những quy định của Nhà nước về bảo vệ và vận động nhân dân, các tăng, ni, phật tử hàng năm tích cực tham gia thả giống tái tạo nguồn lực thủy sản.