Nam Định: Hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp

- Thứ Tư, 29/05/2024, 14:42 - Chia sẻ

Với mục tiêu tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, nỗ lực hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Nam Định đã và đang đẩy mạnh các chương trình, biện pháp hỗ trợ nhóm doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập.

Năm 2023, toàn tỉnh Nam Định có 1.656 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; bình quân 1 tháng có 138 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 630 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có 158 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp mới được cấp phép đầu tư tại địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây như Tập đoàn Quanta Computer Inc., Tập đoàn Toray (Nhật Bản)... đã bước vào giai đoạn hoàn tất xây dựng nhà xưởng, đưa vào vận hành sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp -0
Gia tăng các biện pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.   Ảnh: ITN

Bên cạnh việc duy trì hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đang hoạt động; các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng chú trọng hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, các doanh nghiệp mới đưa nhà máy vào vận hành sản xuất, kinh doanh.

Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cũng tập trung giải quyết những nhu cầu, mong muốn chủ yếu của doanh nghiệp, đó là cắt giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp (cả chi phí chính thức và không chính thức), tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều phiền hà như thuế, phòng cháy, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, xây dựng, bảo vệ môi trường; tiếp cận tín dụng; tìm kiếm khách hàng; ổn định thị trường, ổn định chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi của đội ngũ cán bộ các cấp...

Trên tinh thần đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh các chương trình, biện pháp hỗ trợ nhóm doanh nghiệp mới thành lập.

Theo Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Nguyễn Hoàng Anh, để công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp mới thành lập đạt hiệu quả cao, Ban Quản lý các KCN tỉnh cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư; tăng cường hiệu quả công tác giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các dự án để kịp thời xử lý ngay vướng mắc thuộc thẩm quyền.

Đối với các vướng mắc không thuộc thẩm quyền thì tập hợp kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền; đồng thời gửi kiến nghị tới tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo cải cách hành chính, Tổ công tác 874 để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn liên quan đến các dự án đầu tư của nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư...

Để các doanh nghiệp, trong đó có nhóm doanh nghiệp mới thành lập, thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh; Sở Công thương đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, chú trọng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường xuất khẩu, trong đó ưu tiên gắn kết cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước với cơ quan thương vụ các nước.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo, thời gian tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn; tăng cường triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ, tháo gỡ về vốn, lãi suất... tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quy trình, thủ tục cho vay theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Các sở, ban, ngành và các huyện, TP. Nam Định cũng gia tăng biện pháp nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp mới thành lập; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính.

Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích hỗ trợ của Trung ương, bao gồm cả thuế, phí nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, như chính sách bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí thuế VAT; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn thời gian nộp các loại thuế...  

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ nỗ lực hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập, góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế.

Phan Phương
#