Đối tượng thụ hưởng là người nông dân, doanh nghiệp
Nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp và hội nhập với xu thế toàn cầu hóa, Chính phủ đã xây dựng và ban hành hệ thống khung pháp lý trong đó có quy định các yêu cầu liên quan đến truy xuất nguồn gốc. Ngày 19.1.2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai (Đề án 100), áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.
Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của các bên trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ. Mục tiêu đến năm 2025 tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Là một trong những thủ phủ chăn nuôi và vựa nông sản vùng Đông Nam bộ, tỉnh Đồng Nai đã không ngừng hợp tác chặt chẽ trong xây dựng, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản cả ở trong nước và xuất khẩu; nhận thấy việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt là giải pháp then chốt mang tính đột phá và thiết thực để giải quyết nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ trên thị trường nên tỉnh Đồng Nai rất quan tâm thực hiện.
Thực hiện Đề án 100 của Chính phủ, năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã hợp tác với đơn vị tiên phong trong việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia; qua đó hỗ trợ 2.000 doanh nghiệp, HTX, trang trại trong tỉnh sử dụng miễn phí hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm đăng ký tài khoản, hỗ trợ cập nhật thông tin, hình ảnh về sản phẩm, tạo mã QR Code trong vòng 1 năm.
Trước đó, Đồng Nai là tỉnh cung ứng khối lượng rất lớn các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng, cá tôm, rau củ quả cho người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh; để bảo đảm chất lượng thực phẩm, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với TP. Hồ Chí Minh truy xuất nguồn gốc, xác nhận sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tính đến tháng 3.2017, toàn tỉnh Đồng Nai đã có 325 trang trại với từ 1.000 - 1.500 con heo tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP. Hồ Chí Minh; số trang trại trên chủ yếu là các trang trại lớn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Sự kiện hợp tác trên được triển khai ngay khi Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai có văn bản kiến nghị về những khó khăn của thương lái và người chăn nuôi, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng Hiệp hội lập danh sách các hộ đăng ký tham gia đề án để được tập huấn sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc heo. Những lớp tập huấn này đã được tổ chức về tận địa phương theo kiểu cầm tay chỉ việc hướng dẫn đến từng hộ chăn nuôi nhằm bao phủ truy xuất nguồn gốc ở khu vực chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ.
Tháng 9.2022, tỉnh Đồng Nai đã triển khai công tác khai báo chăn nuôi trên phần mềm quản lý chăn nuôi Te-Food với 781 trang trại đăng ký tham gia. Đến nay toàn tỉnh Đồng Nai đã có 34.032 con heo được đeo vòng và dán tem truy xuất nguồn gốc, 1.115 trang trại đã khai báo chăn nuôi trên phần mềm quản lý chăn nuôi Te-Food, đạt tỷ lệ khoảng 69,5%.
Giải pháp cho mục tiêu chăn nuôi quy mô lớn
Trong giai đoạn từ nay tới 2025, ngành nông nghiệp Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình, đề án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Song, để những mục tiêu trên sớm được hoàn thành, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong chăn nuôi cần phải được triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả mà một trong những yêu cầu tiên quyết đó là cần triển khai sớm, triển khai nhanh, triển khai đồng bộ công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Những dữ liệu từ truy xuất sẽ giúp cung cấp thông tin về tổng đàn, biến động chăn nuôi, khả năng tái đàn, thiệt hại từ dịch bệnh… từ đó đưa ra dự báo năng lực cung ứng để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp với nhu cầu và chuyển biến của thị trường. Mặt khác, trong nỗ lực xây dựng khu giết mổ tập trung và quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, việc triển khai hiệu quả công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ đồng thời kiểm soát được cơ sở giết mổ, chất lượng thịt…
Việc hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản từ đầu vào đến khâu lưu thông, phân phối nông sản góp phần đáp ứng kỳ vọng chuyển đổi số đặt ra với lĩnh vực nông ngiệp thông qua quá trình canh tác, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản từ khâu trồng trọt, chế biến đến khâu phân phối và tiêu thụ. Qua đó, nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về truy xuất nguồn gốc nông sản hướng đến minh bạch trong sản xuất nông nghiệp.