Tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân hàng năm đạt 98%
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc cho biết: Trong những năm qua, bên cạnh phát triển kinh tế, nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo để chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Công tác quy hoạch, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo được triển khai hiệu quả.
Hiện nay toàn tỉnh có 488 cơ sở giáo dục và đào tạo, trong đó có 359 trường mầm non và phổ thông, 11 cơ sở đào tạo, 102 trung tâm học tập cộng đồng, 16 loại hình tập trung giáo dục ngoài công lập khác. Quy mô học sinh, sinh viên mầm non và phổ thông toàn tỉnh hiện nay khoảng 166.000 học sinh, sinh viên, trong đó có trên 96.000 học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số. Hệ thống trường nội trú, bán trú luôn được quan tâm duy trì việc sử dụng và phát huy các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục vùng dân tộc thiểu số nói riêng được quan tâm.
Nhờ đó, 100 % trẻ em mầm non được học 2 buổi/ngày, tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số tiểu học được học 2 buổi/ngày tăng. Phổ cập THCS được duy trì ở vùng dân tộc thiểu số. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm bình quân đạt 98 %, trong đó tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh người dân tộc thiểu số đạt gần 95 %.
Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển giáo dục và đào tạo, song thực tế ngành giáo dục Kon Tum vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức: Tình trạng thiếu phòng học, phòng học đã xuống cấp vẫn tồn tại; thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập; đặc biệt là sinh hoạt của học sinh ở các trường phổ thông dân tộc bán trú.
Khắc phục khó khăn trên, tỉnh đã củng cố, phát triển mạng lưới trường học, lớp học, trong đó ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm khang trang, đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu học tập của học sinh. Ngoài vốn ngân sách được giao quan tâm còn huy động hiệu quả các nguồn tài trợ, viện trợ nhằm tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện học tập qua các mô hình, chương trình thư viện ước mơ, thư viện thân thiện, sách cũ cho năm học mới, bán trú, dân nuôi, trường học hạnh phúc, hiệu quả là đã lan tỏa đến các trường vùng sâu, vùng xa, góp phần xây dựng nhà trường tích cực, thân thiện, huy động học sinh ra lớp hiệu quả.
Đề xuất không cắt giảm 10% biên chế hàng năm
Tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1373/UBND-KGVX về việc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả các đề án, kế hoạch thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được UBND tỉnh ban hành, trong đó tập trung tham mưu sơ kết 3 năm triển khai thực hiện 3 đề án của ngành giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục triển khai tham mưu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục và bảo đảm mức chi tối thiểu 20 % ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định. Để phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã đề xuất, kiến nghị đối với các chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục dân tộc nhằm có giải pháp đột phá trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện căn bản trong nâng cao năng lực người dân trong vươn lên thoát nghèo bền vững, rất cần các chính sách đột phá dành cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ trên cơ sở đánh giá toàn diện các chính sách dành cho học sinh dân tộc thiểu số hiện nay; Ưu tiên sắp xếp nguồn lực, duy trì chính sách hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021– 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum với kinh phí Trung ương hỗ trợ khoảng 419 tỉ đồng để hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú (khoảng 70/359 trường) và phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Tỉnh cũng mong muốn Chính phủ quan tâm mở rộng phạm vi thụ hưởng của Chương trình đến các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số để hỗ trợ ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường thuộc đối tượng này.
Về bài toán đội ngũ cho ngành giáo dục, tỉnh đề xuất Bộ Nội vụ không cắt giảm 10% số lượng người làm việc cơ học đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo lộ trình, không cắt giảm số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo tỉnh Kon Tum theo dự thảo Đề án Đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.